Giám đốc điều hành ICAN Beatrice Fihn (thứ hai, trái), điều phối viên ICAN Daniel Hogstan và thành viên tổ chức Grethe Ostern trong cuộc họp báo sau khi ICAN đoạt giải Nobel Hòa bình, tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 6/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong tuyên bố đưa ra, ICAN nhấn mạnh JCPOA là bằng chứng cho thấy hiệu quả của các nỗ lực ngoại giao và cũng giống như Hiệp ước về cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc mới được thông qua hồi tháng 7, thỏa thuận này đã phản ánh yêu cầu cấp bách nhằm loại trừ vũ khí hạt nhân và những mối đe dọa nguy hiểm từ những vũ khí này.
Vì vậy, việc Tổng thống Mỹ rút lại sự ủng hộ đối với JCPOA sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động phát triển hạt nhân, cản trở việc đạt được các thỏa thuận trong tương lai nhằm hạn chế các mối đe dọa từ hạt nhân và làm gia tăng các nguy cơ hạt nhân toàn cầu.
Hồi đầu tuần, ICAN cũng đã kêu gọi Tổng thống Trump tôn trọng thỏa thuận hạt nhân với Iran và khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy Tehran không tuân thủ thỏa thuận.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng liên tục xác nhận Iran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận lịch sử này.
JCPOA là thỏa thuận hạt nhân mà Iran đạt được với Nhóm P5+1 (bao gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc cộng với Đức) từ năm 2015, trong đó Iran cam kết hạn chế các chương trình hạt nhân, đổi lại các đối tác sẽ dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt áp đặt với quốc gia này liên quan tới vấn đề hạt nhân.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi Chính phủ Mỹ và Tổng thống Donald Trump liên tục gọi đây là thỏa thuận "tồi tệ và một chiều nhất mà Mỹ từng ký kết".
Ngày 13/10, ông Trump đã tuyên bố bác bỏ xác nhận việc Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và "nhường" quyền quyết định có chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran hay không cho Quốc hội hiện do phe Cộng hòa kiểm soát.
Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để đưa ra quyết định.