Động thái trên được đưa ra tại cuộc họp Nội các khẩn cấp của Hy Lạp ngày 30/9 trong bối cảnh giới chức sở tại và các quan chức nước ngoài kêu gọi hành động nhằm giảm bớt áp lực đối với các trại tị nạn đang quá tải trên quần đảo Aegea.
Theo đó, Athens mong muốn từ nay đến cuối năm 2020 có thể đưa 10.000 người di cư trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Con số này tăng cao hơn so với mức 1.805 người được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ trong 4 năm rưỡi qua dưới thời chính phủ tiền nhiệm. Thị trưởng đảo Lesbos, Stratos Kytelis đã kêu gọi giảm áp lực đối với các đảo của Hy Lạp.
Trong khi đó, tổ chức cứu trợ Oxfam cho rằng vụ hỏa hoạn ở trại tị nạn Moria là hệ quả từ chính sách di cư của Liên minh châu Âu (EU).
Người phát ngôn Uỷ ban châu Âu Mina Andreeva thừa nhận dòng người di cư trái phép vào Hy Lạp trong những tuần qua đã tạo gánh nặng đối với hệ thống chưa hoàn thiện của nước này và đặt ra những tình huống khó có thể ứng phó kịp thời.
Trại Moria là trại tị nạn lớn nhất của châu Âu ban đầu có sức chứa khoảng 3.000 người, song trên thực tế số người tại đây hiện lên tới 13.000 người. Hôm 29/9 vừa qua, tại lán trại này đã xảy ra một vụ hỏa hoạn, khiến 2 người thiệt mạng, khi một nhóm người di cư có hành vi đốt phá, yêu cầu được chuyển vào đất liền.
Tính đến nay, Hy Lạp đã tiếp nhận khoảng 70.000 người tị nạn và di cư, chủ yếu là công dân Syria trốn chạy khỏi quê nhà từ năm 2015 sau đó vượt biên từ quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Chính phủ Hy Lạp, chỉ trong 3 tháng trở lại đây khoảng 10.000 người đã đặt chân lên đảo Lesbos.
Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy khoảng 2.510 người di cư đã chuyển vào đất liền sau khi rời khỏi các đảo ở Hy Lạp từ ngày 2-15/9 vừa qua.
Tuy nhiên, theo Oxfam, hiện vẫn còn hơn 26.200 người di cư nương náu tại các lán trại tị nạn trên các đảo này. Trong bối cảnh đó, chính phủ của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis gần đây đã tuyến bố tiến hành thêm nhiều hoạt động giám sát hàng hải trên biển Aegea, đóng cửa nhiều trung tâm dành cho những người di cư không được xét duyệt quy chế tị nạn.