Hy Lạp có thủ tướng mới

* Eurozone có thể rơi vào suy thoái năm 2012

Thông báo từ Văn phòng Tổng thống Hy Lạp ngày 10/11 cho biết, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Lucas Papademos, đã trở thành thủ tướng lâm thời, đứng đầu chính phủ liên minh mới và gánh trọng trách chèo lái con thuyền Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng nợ công trầm trọng hiện nay.

Thủ tướng lâm thời Hy Lạp Lucas Papademos kêu gọi đoàn kết, hợp tác để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.Ảnh: AFP/ TTXVN


Theo thông báo, chính phủ mới sẽ nhậm chức vào 19 giờ ngày hôm nay (11/11). Chính phủ này có nhiệm vụ thực hiện thỏa thuận đã nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh của khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) hôm 26/10 cũng như các chính sách kinh tế có liên quan. Thông báo trên được đưa ra sau cuộc họp căng thẳng kéo dài 4 giờ giữa Tổng thống Karolos Papoulias với lãnh đạo các đảng phái chính trị Hy Lạp.

Phát biểu sau khi được chỉ định làm thủ tướng lâm thời, ông Papademos cho rằng nền kinh tế Hy Lạp đang đối mặt với những vấn đề lớn và ông kêu gọi đoàn kết, hợp tác để giải quyết những vấn đề này nhanh chóng. Theo ông Papademos, tư cách thành viên Eurozone của Hy Lạp đảm bảo sự ổn định về mặt tiền tệ cho đất nước này và sẽ giúp quá trình điều chỉnh kinh tế đầy khó khăn trở nên dễ dàng hơn. Trước đây, ông Papademos đóng một vai trò quan trọng giúp Hy Lạp gia nhập Eurozone.

Trong bài phát biểu sau khi trở thành thủ tướng lâm thời, ông Papademos cũng nhấn mạnh rằng nhiệm vụ đầu tiên của ông là thuyết phục Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế giải ngân 11 tỷ USD từ gói cứu trợ năm 2010. Nếu không có khoản 11 tỷ USD này vào ngày 15/12 tới, Hy Lạp sẽ “cháy túi”.

Trước đó, tối 9/11, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã chính thức tuyên bố từ chức. Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp tới dân chúng Hy Lạp, ông Papandreou đã chúc người thay thế mình và chính phủ mới thành công trong giải quyết khủng hoảng hiện nay. Ông Papandreou cũng khẳng định sẽ sát cánh và ủng hộ chính phủ mới trong giai đoạn khó khăn này.

Trong khi đó, các quan chức EU ngày 10/11 đã cảnh báo rằng Eurozone có thể trượt vào một cuộc suy thoái kéo dài và trầm trọng vào năm 2012 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công đang có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát. Theo dự báo của Ủy ban châu Âu, Eurozone sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2012, giảm đáng kể so với dự báo 1,8% trước đó.

Quan chức phụ trách vấn đề tiền tệ của EU, ông Olli Rehn, cảnh báo: “Dự báo này là lời thức tỉnh cuối cùng. Tăng trưởng ở châu Âu đã đình trệ và có nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái mới”. Ông Rehn cũng tỏ ra lo ngại khi tỷ lệ thất nghiệp ở EU nay đã lên tới 9,5%, cao hơn tỷ lệ ở Mỹ.

Riêng về Italia, ông Rehn cho rằng nước này khó có thể thực hiện được cam kết cân bằng ngân sách tới năm 2013 nếu không thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và cải cách như đã hứa. Theo dự báo của EU, nợ của Italia sẽ tương đương 119% GDP, tăng trưởng chỉ ở mức 0,1% vào năm 2012.

Tuy nhiên, sau khi Hy Lạp tìm được thủ tướng mới, Italia cũng đã tiến gần hơn tới việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Trong đó, cựu Cao ủy châu Âu Mario Monti có nhiều khả năng sẽ thay thế Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi trong vòng vài ngày tới. Thủ tướng Italia mới sẽ có nhiệm vụ thực hiện các kế hoạch cải cách lương hưu, thị trường lao động và quy định kinh doanh vốn đã bị trì hoãn trong một thời gian dài.

Cùng với khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, khủng hoảng chính trị và kinh tế ở Italia trong thời gian qua đã khiến dư luận lo ngại về khả năng Eurozone sụp đổ.

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN