Hy Lạp có đứng vững bên bờ vực vỡ nợ?

Cuộc gặp giữa Tổng thống Hy Lạp Carolos Papoulias với lãnh đạo của tất cả các chính đảng ở nước này, dự kiến diễn ra trong ngày 7/11 để chỉ định chính phủ mới, đã bị hủy bỏ do đảng Syriza đối lập chính từ chối tham gia. Giới phân tích lo ngại sự việc trên sẽ khiến quyết tâm theo đuổi chính sách “thắt lưng buộc bụng” đầy khắc khổ của chính phủ Hy Lạp nhằm tránh vỡ nợ có nguy cơ bất thành.

Trên trang nhất các tờ báo ở Hy Lạp số ra ngày 7/11 đều đăng tải các bài viết về khủng hoảng nợ quốc gia và vấn đề thành lập chính phủ mới.


Theo nguồn tin từ Đài truyền hình nhà nước TV NET của Hy Lạp, Syriza tuyên bố không tham gia cuộc gặp trên với lý do chính phủ mới không được thành lập thông qua chế độ bầu cử, vì thế sẽ “không có quyền lực chính trị”. Điều này đồng nghĩa với việc danh sách nội các mới sẽ chỉ được công bố sau các cuộc thương lượng giữa Thủ tướng đương nhiệm George Papandreou và người đứng đầu phe đối lập, ông Antonis Samaras.

Trước đó, tại cuộc gặp ngày 6/11 giữa Tổng thống Papoulias, Thủ tướng Papandreou và ông Samaras, các bên đã đạt thỏa thuận chia sẻ quyền lực nhằm thành lập chính phủ liên minh đoàn kết dân tộc, nhằm đưa Hy Lạp thoát khỏi bờ vực vỡ nợ công. Theo thỏa thuận, ông Papandreou đồng ý từ chức và các chính đảng nhất trí tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 19/2/2012. Chính phủ mới có nhiệm vụ thực thi các điều kiện trong thỏa thuận cứu trợ mà Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí với Hy Lạp hôm 26/10, trong đó có điều kiện Aten phải siết chặt các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách.

Cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone là trọng tâm cuộc hội đàm ngày 7/11 giữa Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Largade, đang ở thăm Mátxcơva. Thông báo trước hội đàm, Tổng thống Nga nhận định đây là cơ hội để hai bên trao đổi quan điểm về các vấn đề của nền kinh tế thế giới sau hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tuần trước tại thành phố Cannes của Pháp. Trong cuộc trả lời phỏng vấn một tờ báo của Nga số ra ngày 7/11, bà Largade cũng bày tỏ tin tưởng hai bên sẽ thảo luận những vấn đề quan trọng của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là những thách thức mà Eurozone đang đối mặt. Trước đó, Điện Kremlin xác nhận cuộc hội đàm sẽ tập trung vào cuộc khủng hoảng của Eurozone và các biện pháp bổ sung nhằm cải cách hệ thống tài chính thế giới. Nguồn tin tại đây còn tiết lộ quy mô của khoản đóng góp mà Nga dự kiến thảo luận với IMF sẽ giới hạn ở mức 10 tỷ USD.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang tỏ ra thất vọng với bế tắc chính trị ở Hy Lạp, vì họ muốn nước này đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận cứu trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực. Giới kinh doanh Hy Lạp cũng gây sức ép đòi các chính trị gia nước này thành lập chính phủ mới càng sớm càng tốt. Liên đoàn các doanh nghiệp Hy Lạp cho rằng tương lai của nước này phải được quyết định ngay vì bế tắc chính trị càng kéo dài, đất nước càng bị đẩy gần hơn tới bờ vực vỡ nợ.

Trong một diễn biến có liên quan, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos ngày 7/11 gặp những người đồng cấp trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại Brúcxen (Bỉ). Các nước này cảnh báo sẽ không cho Hy Lạp vay thêm đồng nào, nếu Aten còn mập mờ trong việc thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” như đã cam kết. Ủy viên EU phụ trách về kinh tế và tiền tệ, ông Olli Rehn, cho biết các nước châu Âu sẽ chuẩn bị nhiều kịch bản, kể cả khả năng Hy Lạp ra khỏi Eurozone. Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Yves Leterme tuyên bố trên Đài truyền hình RTBF rằng người Hy Lạp phải chứng minh rằng họ thực sự tuân thủ các điều kiện đã đặt ra.

Hải - Hạnh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN