Hy Lạp cam kết thực hiện thỏa thuận cứu trợ mới

Thủ tướng tạm quyền Hy Lạp Lucas Papademos tuyên bố chính phủ lâm thời của ông sẽ tập trung thực hiện thỏa thuận cứu trợ mới mà chính phủ tiền nhiệm đã thống nhất với Liên minh châu Âu (EU). Ông Papademos đồng thời cảnh báo, thất bại trong nỗ lực này đồng nghĩa với việc Aten sẽ phải rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Một châu Âu thống nhất có thể không còn nếu Eurozone tan vỡ vì nợ công. Ảnh: Internet


Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội kể từ khi đảm nhận cương vị người đứng đầu chính phủ lâm thời ngày 11/11 vừa qua, ông Papademos khẳng định, Hy Lạp đã đạt tiến bộ trong nỗ lực ứng phó khủng hoảng nợ công, nhưng cần hành động nhiều hơn để “trụ lại” trong Eurozone. Ông Papademos cam kết sẽ tiếp tục những cải cách mà người tiền nhiệm George Papandreou đã đề ra, nhưng cũng sẽ áp dụng những biện pháp mới trong vài tháng tới.

Ông Papademos kêu gọi các đảng xã hội, bảo thủ và dân tộc tham gia chính phủ liên minh nhất trí với đề nghị của EU yêu cầu Aten cam kết bằng văn bản sẽ thực hiện thỏa thuận cứu trợ mới, đặc biệt phải thông qua những biện pháp cần thực hiện để được giải ngân khoản cứu trợ thứ sáu trị giá 8 tỷ euro trong vài tuần tới.

EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phong tỏa khoản cứu trợ trong gói cứu trợ thứ nhất này từ tháng 8 vừa qua do Aten không đáp ứng các điều kiện nhận cứu trợ, trong khi Hy Lạp chỉ có đủ nguồn tiền dự trữ để chi tiêu đến ngày 15/12 tới. Theo kế hoạch, một phái đoàn EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF sẽ đến Hy Lạp vào cuối tuần này để đánh giá liệu điều kiện đã chín muồi để cấp cho Aten khoản cứu trợ thứ sáu hay chưa.

Liên quan đến những khó khăn tài chính trong Eurozone, Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) ngày 15/11 công bố số liệu chính thức cho thấy: Các nền kinh tế của 17 nước Eurozone chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý III và điều này đã gây tâm lý lo sợ về một cuộc suy thoái mới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng ngày cho rằng, những khó khăn tài chính trong Eurozone có thể là cuộc khủng hoảng lớn nhất của châu Âu kể từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, đồng thời kêu gọi châu lục này hội nhập nhiều hơn để đối phó với thách thức hiện nay.

Theo bà Merkel, một châu Âu thống nhất có thể không còn nếu Eurozone tan vỡ vì những vấn đề nợ nần ở Hy Lạp, Italia và các nền kinh tế yếu kém hơn. Bà cho rằng đồng euro là biểu tượng của một châu Âu thống nhất, hòa bình, tự do và thịnh vượng, song đã đến lúc cần một “bước đột phá” cho một châu Âu mới. Thủ tướng Đức cũng kêu gọi điều chỉnh hiệp ước châu Âu, trong đó có thể có cơ chế trừng phạt tự động những nước không tuân thủ Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng châu Âu.

Hải - Hạnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN