Hy Lạp: “Bóp miệng” hay vỡ nợ?

Thực hiện các biện pháp khắc khổ theo yêu cầu của các nhà tài trợ quốc tế hay chấp nhận vỡ nợ vào tháng 3 tới? Câu hỏi ấy đang làm đau đầu Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos và chính phủ liên minh của ông.

Khi mà Aten vẫn chưa biết phải thanh toán khoản nợ 14,5 tỷ euro đến hạn ngày 20/3 tới như thế nào thì ngày 6/2 (giờ VN), cuộc họp quan trọng kéo dài 5 giờ giữa Hy Lạp và “bộ ba” Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã không đạt được thỏa thuận về các điều khoản của gói cứu trợ tài chính thứ hai cho Hy Lạp trị giá 130 tỷ euro (171 tỷ USD).

Hãng tin AFP (Pháp) dẫn các nguồn tin từ cuộc họp cho biết, còn tồn tại bất đồng xung quanh các vấn đề mức độ cắt giảm các chương trình lương hưu bổ sung, cắt giảm mức lương tối thiểu và số lượng việc làm của công chức bị cắt giảm. Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Holger Schmieding thuộc Ngân hàng Berenberg, bộ ba các tổ chức tài trợ quốc tế đã đánh trúng “gót chân asin” của Hy Lạp là các vấn đề cơ cấu và thị trường lao động.

Ngay sau cuộc họp quan trọng trên, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lập tức lên tiếng “cảnh cáo” Aten. Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ở Pari, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, Aten sẽ không được nhận thêm sự giúp đỡ của EU chừng nào chưa đạt được thỏa thuận với EC, ECB và IMF về việc thắt chặt ngân sách của mình. Bà Merkel khẳng định: “Hy Lạp cần đưa ra các cam kết và thực hiện triệt để các cam kết ấy. Họ không còn sự lựa chọn nào khác”.

Phát ngôn viên của Cao ủy châu Âu Olli Rehn, ông Amadeu Altafaj cũng cho rằng, Hy Lạp đã để lỡ thời hạn chót để đạt được một thỏa thuận trong chính phủ liên minh về việc tái cấu trúc nền kinh tế và giảm nợ. Theo quan chức này, “Quả bóng đang nằm trong chân của Aten”.

Cộng hưởng với sức ép từ EU, hai nghiệp đoàn lao động chính ở Hy Lạp đã kêu gọi một cuộc tổng bãi công 24 giờ trên toàn quốc trong ngày hôm nay (7/2) nếu chính phủ chấp nhận các điều kiện trợ giúp tài chính của bộ ba nói trên. Hãng thông tấn Ana dẫn lời Iannis Panagopoulos, thủ lĩnh của nghiệp đoàn khu vực tư nhân GSEE cho rằng, các điều kiện này chẳng khác nào “bản án tử hình” đối với Aten. Giới doanh nghiệp và các đảng phái chính trị hàng đầu ở Hy Lạp cũng cho rằng, việc thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng sẽ khiến sự suy thoái kinh tế kéo dài 5 năm nay càng thêm trầm trọng.

Trước những sức ép trên, Thủ tướng Papademos đã buộc phải lùi cuộc họp của các đảng phái trong chính phủ liên minh từ cuối ngày 6/2 sang hôm nay (7/2).

Hy Lạp hiện phải gánh khoản nợ 350 tỷ USD, tương đương 160% GDP và đang bị bộ ba tổ chức tài trợ quốc tế gây sức ép để giảm tỉ lệ nợ xuống 120% vào năm 2020.

M.D (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN