Hội nghị thượng đỉnh P4G: Phát triển thành phố thông minh giúp giảm khí thải

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc chiều 31/5 đã tổ chức phiên họp chuyên đề về phát triển thành phố thông minh để góp phần thực hiện mục tiêu giảm khí thải. 

Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc Noh Hyeong-ouk chủ trì phiên họp này. Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Noh Hyeong-ouk cho rằng mô hình thành phố thông minh là nền tảng giúp các thành phố xây dựng một tương lai nơi con người cùng tồn tại hài hòa với thiên nhiên. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của quan hệ đối tác công-tư trong việc xây dựng các thành phố thông minh trung hòa khí carbon.

Chú thích ảnh
Khu đô thị được mệnh danh là "thành phố địa đàng" tại Đan Mạch. Ảnh minh họa: Daily Mail

Đề cập các lý do thúc đẩy phát triển thành phố thông minh, Bộ trưởng Noh Hyeong-ouk nêu rõ mô hình thành phố thông minh có thể làm thay đổi không gian đô thị, giao thông và cơ sở hạ tầng và những thay đổi này sẽ làm giảm dần lượng khí thải CO2 ở các thành phố xuống mức 0. Ông Noh Hyeong-ouk nhấn mạnh cần phải đảm bảo để người dân vẫn sẽ ở trung tâm quá trình thay đổi này. 
Sau bài phát biểu của Bộ trưởng Noh Hyeong-ouk, Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Đan Mạch Flemming Møller Mortensen đã chia sẻ kinh nghiệm của thành phố Copenhagen kể từ khi chính quyền thành phố này tuyên bố mục tiêu trở thành thành phố trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2025. 

Bộ trưởng Mortensen cho biết cách đây 1 thập kỷ, người dân thành phố Copenhagen không thể đi bơi hoặc trượt tuyết do ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, sau quyết định phát triển theo hướng bảo vệ môi trường, người dân Copenhagen giờ đây có thể tận hưởng các hoạt động ngoài trời trong tất cả các mùa và thời tiết. Ông cũng cho biết thêm chính các mối liên kết công-tư đã thúc đẩy sự thay đổi cơ bản ở thành phố này.

Cũng tại phiên họp, ông Daniel Gomez - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Quốc gia Colombia và bà Cristina Gamboa - Giám đốc điều hành Hội đồng Công trình Xanh Thế giới đã có các bài phát biểu về phương tiện đi lại bằng điện và công trình xanh. 

Các đại biểu tham dự phiên họp kêu gọi hình thành các quan hệ đối tác sáng tạo, trích dẫn các ví dụ về quan hệ đối tác thành công như trong Chiến dịch Chạy đua về 0 (Race to Zero Campaign) theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) thúc đẩy các nước trên toàn cầu ngừng sản xuất điện sử dụng than, hay việc ra mắt Hội đồng Công trình Xanh Colombia để thúc đẩy ngành xây dựng theo hướng phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các tham luận viên đến từ các lĩnh vực khác nhau đã giới thiệu các công nghệ và giải pháp sáng tạo đang nổi lên trong khu vực tư nhân như tòa nhà không sử dụng năng lượng, xe điện sử dụng hydro (FCEV), dịch vụ đi lại theo yêu cầu và trung tâm dữ liệu thông minh. Các tham luận viên cũng đề xuất mô hình quản lý mới để xây dựng các thành phố xanh thông minh và phát triển bền vững.

 Mạnh Hùng (TTXVN)
Thành phố thông minh ASEAN: Ý tưởng hay thời đại dịch COVID-19
Thành phố thông minh ASEAN: Ý tưởng hay thời đại dịch COVID-19

Thích ứng và duy trì phát triển trong những thời điểm khó khăn luôn là thách thức không nhỏ với mỗi người và thậm chí là từng quốc gia. Đại dịch COVID-19 hiện nay chính là một thách thức như thế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN