Hội nghị thượng đỉnh G20: Cầu nối thúc đẩy phục hồi

Trong các ngày 15-16/11, hòn đảo du lịch Bali của Indonesia trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới khi đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 17 với sự tham dự của hàng chục nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo tổ chức quốc tế, cùng khoảng 600 đại biểu và hơn 2.100 nhà báo từ trên 410 cơ quan truyền thông quốc tế.

Chú thích ảnh
Quốc kỳ các nền kinh tế thành viên dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), theo kế hoạch diễn ra ở Indonesia từ ngày 15-16/11/2022. Ảnh: POS-KUPANG.COM/TTXVN

Để đảm bảo an ninh, Indonesia đã huy động gần 28.000 binh sĩ và cảnh sát được chia làm 3 phòng tuyến. Khoảng 9.700 nhân viên thuộc Cảnh sát Quốc gia được triển khai vòng ngoài tại Bali và 2 tỉnh Đông Java, Tây Nusa Tenggara kế bên. Hai phòng tuyến còn lại gồm 18.030 binh sĩ, cảnh sát và nhân viên thuộc các lực lượng liên quan do Tư lệnh Quân đội quốc gia trực tiếp chỉ huy và điều phối. Nhằm gửi thông điệp về môi trường và chuyển đổi năng lượng, Ban tổ chức cũng sử dụng hơn 6.100 xe điện làm phương tiện di chuyển.

Quy tụ 20 thành viên chiếm tới 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 75% kim ngạch thương mại và 60% dân số toàn cầu, cùng 22 khách mời là các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế lớn, Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali là một trong những sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là sự kiện quan trọng nhất đánh dấu nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia với tổng cộng 438 cuộc họp cấp bộ trưởng, quan chức cấp cao, Nhóm công tác và Nhóm cam kết diễn ra dày đặc kể từ ngày 1/12/2021. 

Với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, Phục hồi mạnh mẽ hơn” của Chủ tịch Indonesia 2022, trong đó tập trung vào 3 chương trình nghị sự chính gồm tăng cường cấu trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng bền vững, Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 17 đặt mục tiêu ra Tuyên bố của các nhà lãnh đạo, trong đó cam kết tăng cường các nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm giải quyết hàng loạt thách thức và khủng hoảng trầm trọng mà cả thế giới đang phải đối mặt.

Trước thềm hội nghị, G20 đã công bố Quỹ Trung gian tài chính (FIF) - được đánh giá là một trong những bước đột phá lịch sử của G20 trong lĩnh vực y tế - với 1,4 tỷ USD được huy động cho tới nay nhằm tài trợ cho công tác chuẩn bị, phòng ngừa và ứng phó với các đại dịch trong tương lai; đồng thời thảo luận các nỗ lực tăng cường khả năng phục hồi hệ thống y tế thế giới, hài hòa hóa các giao thức y tế toàn cầu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đa dạng hóa sản xuất vaccine.

Hội nghị cũng tập trung bàn thảo quy định về cơ cấu huy động nguồn lực y tế thiết yếu; tăng cường các biện pháp giám sát dịch tễ, định hướng cho nền tảng hợp tác về nghiên cứu và kiểm soát các mầm bệnh; thiết lập nền tảng chung kết nối các hệ thống chứng nhận tài liệu y tế kỹ thuật số nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương, đi lại của người dân; mở rộng các trung tâm nghiên cứu và sáng chế toàn cầu nhằm hỗ trợ các nước, nhất là các nước thu nhập trung bình thấp tiếp cận vaccine, các phương pháp chuẩn đoán và điều trị.

Về chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số, các nhà lãnh đạo G20 sẽ thảo luận về các sáng kiến và đề xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế kỹ thuật số từ đó nhanh chóng phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19; thúc đẩy ứng dụng công nghệ, nhất là tại các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; phát triển kỹ năng và phổ biến kiến thức kỹ thuật số; kết nối các công ty khởi nghiệp và thúc đẩy tài trợ thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm; đẩy nhanh số hóa nhằm đưa lĩnh vực này trở thành động lực tăng trưởng mới.

Về chuyển đổi năng lượng bền vững, nội dung chính sẽ là việc mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ và các nguồn năng lượng sạch, thúc đẩy quá trình giảm phát thải khí carbon, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện hơn với môi trường và thông qua Nguyên tắc chung Bali về thúc đẩy chuyển đổi năng lượng (Compact). Đặc biệt, nước chủ nhà Indonesia và các nước giàu dự kiến công bố quan hệ đối tác năng lượng sạch, giúp quốc gia Đông Nam Á này thu hút hàng tỷ USD tài trợ quốc tế nhằm giảm phụ thuộc vào điện than, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và công bằng. Thỏa thuận này hứa hẹn sẽ là “thành tựu lớn” cho nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia và là “hình mẫu” cho các thành viên G20 cũng như các nhà sản xuất than đá khác đang có kế hoạch chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn như Ấn Độ và Trung Quốc.

Cũng trong khuôn khổ 3 chương trình nghị sự trên, hội nghị sẽ tìm kiếm các cam kết nhằm giải quyết các khiếm khuyết trong các tổ chức tài chính phi ngân hàng; tăng cường lĩnh vực tài chính toàn cầu thông qua giám sát rủi ro, khai thác lợi thế của công nghệ và số hóa; nghiên cứu phát hành tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương nhằm tạo thuận lợi cho thanh toán xuyên biên giới; duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế; hỗ trợ các công cụ chính sách của G20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về huy động vốn; xây dựng Chỉ số đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng; và thiết lập cấu trúc cho các cơ sở hạ tầng toàn cầu tương lai.

Chú thích ảnh
Biểu tượng Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Jakarta, Indonesia ngày 8/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, diễn ra trong bối cảnh nội bộ các nền kinh tế G20 mâu thuẫn sâu sắc, bị chia rẽ chưa từng thấy và bị phủ bóng bởi hàng loạt cuộc khủng hoảng - từ xung đột Nga - Ukraine đến tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cùng với lạm phát tăng vọt và biến đổi khí hậu, hội nghị thượng đỉnh tại Bali nhiều khả năng sẽ khó đạt được đồng thuận rộng rãi. Thay vì một thông cáo chung hoặc một tuyên bố chung như thường lệ, hội nghị có thể sẽ kết thúc bằng một bản tóm tắt của chủ tọa, trong đó ghi nhận và liệt kê các nội dung đã được thảo luận. Dù không có trong chương trình nghị sự chính của hội nghị, cuộc xung đột tại Ukraine sẽ chi phối các cuộc thảo luận, có nguy cơ đào sâu thêm chia rẽ, đối đầu và làm chệch hướng khỏi các vấn đề ưu tiên.

Bên cạnh màn “chào sân” của các tân lãnh đạo Anh, Italy, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị cũng được dư luận đặc biệt quan tâm. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức và ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Với tư cách nước chủ nhà, Indonesia tuyên bố sẵn sàng trở thành cầu nối giữa bất kỳ cường quốc hoặc thành viên nào của G20 trong thời gian diễn ra hội nghị. Jakarta cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cuộc gặp song phương, giúp tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nóng bỏng hiện nay. Dư luận kỳ vọng rằng, bất chấp các thách thức, hội nghị thượng đỉnh tại Bali có thể trở thành cầu nối để các bên gặp gỡ, đối thoại và lắng nghe những quan điểm của nhau, từ đó thúc đẩy những mục tiêu phục hồi chung.

Hữu Chiến (TTXVN)
G20 ra mắt Quỹ ứng phó các đại dịch trong tương lai
G20 ra mắt Quỹ ứng phó các đại dịch trong tương lai

Trong nỗ lực ứng phó với các đại dịch trong tương lai, ngày 13/11, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra mắt Quỹ phòng đại dịch của G20 do Indonesia và Italy làm đồng chủ tịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN