Tại cuộc đối thoại trước thời điểm khai mạc, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định mong muốn "củng cố và mở rộng sự hợp tác liên minh Mỹ-Nhật trên toàn cầu". Thủ tướng Abe đã nêu bật sức mạnh của liên minh với Mỹ, nhấn mạnh rằng các cuộc gặp liên tiếp giữa hai nhà lãnh đạo trong một thời gian ngắn là bằng chứng cho thấy sự "hùng cường" của liên minh Mỹ - Nhật.
Ngoài việc khẳng định sự hợp tác Mỹ - Nhật sẽ đem lại kết quả cho hội nghị thượng đỉnh G20, ông Abe khẳng định các vấn đề toàn cầu sẽ không thể giải quyết nếu thiếu sự hợp tác của hai nước. Một phát ngôn viên của Chính phủ Nhật Bản cho biết hai nhà lãnh đạo cùng nhất trí rằng liên minh an ninh giữa hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba thế giới đang mạnh hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới, Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura tiết lộ rằng hai nhà lãnh đạo đã không thảo luận về khả năng xem xét việc sửa đổi hiệp định an ninh song phương sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích thỏa thuận này là một hiệp ước an ninh một phía.
Trong khi đó, ngoài việc hoan nghênh làn sóng đầu tư gia tăng mạnh mẽ của các tập đoàn chế tạo ô tô của Nhật Bản vào Mỹ, Tổng thống Donald Trump chủ yếu chỉ đề cập đến vấn đề thương mại, mua trang thiết bị quốc phòng. Tuy nhiên, trước đó, tại những cuộc họp ở Osaka với Ngoại trưởng nước chủ nhà Taro Kono và người đồng cấp Shotaro Yachi, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton thừa nhận rằng liên minh giữa nước này với Nhật Bản mang "tầm quan trọng then chốt".
Trên mạng xã hội Twitter, ông Bolton viết: "Khi phối hợp với Nhật Bản để giải quyết những thách thức toàn cầu phức tạp, tôi liên tục được nhắc nhở về tầm quan trọng then chốt của liên minh mang tính toàn cầu của chúng tôi".
Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sự cần thiết hợp tác giải quyết vấn đề hạt nhân, kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán. Về tình hình Trung Đông, ông Abe cho rằng cần phải ngăn chặn sự leo thang căng thẳng trong khu vực, tránh sự đối đầu giữa Mỹ và Iran liên quan đến thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký với Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Trước đó, Tổng thống Donald Trump một lần nữa chỉ trích thỏa thuận an ninh song phương Mỹ - Nhật trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo nước này và Mỹ chưa thảo luận sửa đổi hiệp định an ninh song phương này. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Suga khẳng định "các nghĩa vụ của Mỹ và Nhật Bản (trong hiệp định trên) là công bằng giữa hai bên", đồng thời cho biết chính phủ hai nước "không thảo luận việc sửa đổi hiệp định".
Theo hiệp định an ninh Nhật - Mỹ có hiệu lực từ nhiều thập kỷ nay, Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản, đổi lại, Nhật Bản cung cấp các căn cứ quân sự mà Washigton có thể sử dụng để phô trương sức mạnh ở châu Á, trong đó có Okinawa - căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở hải ngoại, và hướng tới triển khai một nhóm tàu sân bay tấn công tại căn cứ hải quân Yokosuka gần Tokyo.
Tuy nhiên, gần đây Tổng thống Trump chỉ trích hiệp định này chỉ mang lại lợi ích cho Nhật Bản và muốn sửa đổi. Theo giới chuyên gia, nếu hiệp định trên chấm dứt, quan hệ Mỹ - Nhật xuống cấp, Washington sẽ phải rút phần lớn lực lượng quân sự đang hiện diện tại châu Á. Trường hợp này cũng sẽ buộc Nhật Bản phải tìm kiếm liên minh mới trong khu vực và tăng cường năng lực phòng thủ của mình.