Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hải Bằng cho biết các sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh đặc biệt với nhiều diễn biến mới phức tạp ở trong và ngoài khu vực. Trên thế giới và trong khu vực, đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu suy giảm, vẫn là mối quan tâm hàng đầu của ASEAN. Tình hình bất ổn tại Myanmar từ đầu năm 2021 khiến các nước trong khối phải nỗ lực giải quyết. Bên ngoài khu vực có rất nhiều diễn biến mới về chính trị, ảnh hưởng lớn đến cục diện quan hệ quốc tế và bức tranh địa chính trị tại Châu Á-Thái Bình Dương, làm nảy sinh nhiều thách thức mà các nước ASEAN cần phải xử lý.
Do vậy, theo Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, trọng tâm đầu tiên của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị lần này là làm thế nào để đưa khu vực vượt qua đại dịch COVID-19 một cách nhanh nhất, sớm nhất, trong đó mấu chốt là vaccine. Các nước ASEAN đều thống nhất cách tiếp cận trong vấn đề chống dịch, tùy vào điều kiện hoàn cảnh của mỗi nước. Các nước ASEAN cũng cố gắng tìm tiếng nói chung về cơ chế cung ứng để người dân ASEAN có thể tiếp cận vaccine một cách công bằng, nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Từ các nỗ lực chung đó, cùng với sự trợ giúp của các nước đối tác, cho đến nay hàng chục triệu USD đã được đóng góp cho Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19. ASEAN đã quyết định trích hơn 10 triệu USD từ quỹ này để mua vaccine thông qua tổ chức UNICEF của Liên hợp quốc để cung cấp cho người dân các nước ASEAN và nhân viên Ban thư ký ASEAN sớm nhất vào đầu năm 2022. Một số nước như Singapore, Brunei đã quyết định dành phần vaccine được chia cho các nước ASEAN khác, thể hiện tinh thần tương trợ, đoàn kết của cả khối.
Trọng tâm rất quan trọng nữa của các nhà lãnh đạo ASEAN lần này là tìm cách phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Ưu tiên đầu tiên mà lãnh đạo các nước ASEAN lưu ý là phục hồi du lịch, đảm bảo thông thương, đi lại cho người dân và doanh nghiệp thông qua việc mở cửa các hành lang xanh, an toàn. Một chủ đề khác mà các nhà lãnh đạo ASEAN cũng quan tâm là đẩy mạnh kết nối ASEAN. Một là kết nối về cơ sở hạ tầng, giao thông, du lịch. Hai là kết nối, hài hòa hóa các thủ tục xuất nhập khẩu. Ba là kết nối số - điều càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh đại dịch.
Trọng tâm cuối cùng của Hội nghị là vấn đề nội bộ của ASEAN và xây dựng Cộng đồng vững mạnh. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, kéo theo nhiều thách thức hơn cơ hội, điều được Hội nghị rất quan tâm là làm thế nào để giữ vững đoàn kết, nhất trí, sự thống nhất, vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc kinh tế và an ninh khu vực đang được định hình.
Theo Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, trong bối cảnh như vậy, Hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra những định hướng lớn cho quá trình chống dịch và phục hồi kinh tế hậu đại dịch, tiếp tục các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh từ nay đến năm 2025 và thậm chí còn vạch ra định hướng, tầm nhìn cho sự phát triển của khối sau năm 2025.
Một ý nghĩa quan trọng khác là các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng của khu vực, từ vấn đề nội bộ đến các vấn đề quan hệ đối ngoại của ASEAN nhằm tăng cường được tính thống nhất, đoàn kết nội khối, để ASEAN có tiếng nói chung đối với các vấn đề khu vực và quốc tế, duy trì được vai trò trung tâm của mình; mặt khác để các nước đối tác, các cường quốc thế giới - dù đang cọ sát, mâu thuẫn lớn về mặt chiến lược - tiếp tục ghi nhận vai trò trung tâm và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Đại sứ Nguyễn Hải Bằng cho rằng chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” cho đến nay vẫn hoàn toàn mang tính thời sự và rất thiết thực trong bối cảnh các nước ASEAN đang rất cần gắn kết, đoàn kết, thích ứng để chống lại đại dịch.
Trong năm nay, Việt Nam tiếp tục cùng các nước ASEAN thực hiện các sáng kiến đã được đề ra trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, tiếp tục cùng với các nước ASEAN nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao tính cạnh tranh của ASEAN với thế giới. ASEAN vẫn tiếp tục thực hiện các sáng kiến được đưa ra trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, trong đó có thu hẹp khoảng cách phát triển trong khuôn khổ Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI). Năm nay, Việt Nam giữ chức Chủ tịch Nhóm Đặc trách IAI và cùng các nước thành viên ASEAN khác xây dựng Kế hoạch thu hẹp khoảng cách phát triển trong nội bộ các nước ASEAN trong giai đoạn 2021-2025.
Việt Nam đã tiến hành tham vấn với nhiều nước đối tác và các Bộ, ngành của các nước thành viên ASEAN để xây dựng các mô hình mẫu của dự án thu hẹp khoảng cách phát triển. Việt Nam đã đưa thêm một nội dung mới của IAI là không những thu hẹp khoảng cách giữa các nước ASEAN với nhau, hay giữa CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) với nhóm 6 nước ASEAN còn lại, mà còn giữa các tiểu vùng trong ASEAN nhằm tận dụng nguồn lực từ các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng. Dự kiến trong tháng 11 tới, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn cấp cao ASEAN về Hợp tác tiểu vùng hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm tại khu vực.
Về phần mình, trong năm nay, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN đã tham gia đàm phán hàng loạt văn kiện, dự thảo tuyên bố chung... Phái đoàn đã phối hợp với Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN (CPR), các nước đối tác và Ban thư ký ASEAN xây dựng kế hoạch triển khai IAI giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở đó kêu gọi các đối tác tiếp tục hỗ trợ thực hiện hiệu quả sáng kiến này. Ngoài ra, Phái đoàn cũng đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Ủy thác Quỹ ASEAN với sứ mệnh thúc đẩy giao lưu, quảng bá văn hóa và hình ảnh của ASEAN.