Theo hãng thông tấn Kyodo, vấn đề được chú trọng tại hội nghị cấp cao APEC tại Port Moresby là liệu các nhà lãnh đạo có tìm được lập trường chung chống lại các chính sách bảo hộ hay không. Theo một dự thảo tuyên bố chung, các nền kinh tế thành viên hướng tới cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức cũng như các biện pháp cản trở thương mại. Cách thức phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực cũng sẽ được bàn thảo tại hội nghị.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo APEC cũng dự kiến tiếp tục thảo luận về việc thành lập Hiệp định Thương mại tự do của châu Á-Thái Bình Dương - khu vực với dân số chiếm 40% dân số thế giới, chiếm một nửa thương mại toàn cầu về số lượng và khoảng 60% kinh tế thế giới.
Các nhà lãnh đạo APEC nhóm họp tại Papua New Guinea trong bối cảnh Mỹ, Nhật Bản và các nền kinh tế khác chỉ trích Trung Quốc áp dụng các chính sách làm sai lệch thị trường, như vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và trợ cấp công nghiệp. Trong khi đó, chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của chính quyền Tổng thống Donald Trump gây quan ngại trên toàn cầu, đặc biệt trọng tâm của chính sách này là theo đuổi các thỏa thuận song phương và phản đối các thỏa thuận cũng như các tổ chức thương mại đa phương.
Trong những tháng gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi sau khi hai bên áp dụng các biện pháp thuế quan trị giá hàng tỷ USD đáp trả lẫn nhau. Giới chuyên gia cảnh báo tình trạng đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ dẫn tới hậu quả thảm khốc đối với nền kinh tế toàn cầu.
APEC bao gồm 21 nền kinh tế thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.