Hòa bình sẽ mở ra con đường phát triển bền vững cho Colombia

Sau hơn nửa thế kỷ, chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos đã đạt được mục tiêu chấm dứt cuộc xung đột vũ trang thông qua các cuộc đàm phán và ký kết được với nhóm du kích Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) một thỏa thuận ngừng bắn song phương vĩnh viễn vào ngày 23/6/2016 tại thủ đô La Habana của Cuba.

Thủ lĩnh FARC Timoleon Jimenez (phải) và Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (trái), Chủ tịch Cuba Raul Castro (giữa) tại lễ ký kết thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn ở thủ đô La Habana, Cuba ngày 23/6. Ảnh: AFP/TTXVN


Hàng loạt các nỗ lực tìm kiếm hòa bình đã được thực hiện trong những thập kỷ qua, song chỉ tới khi chính phủ của Tổng thống Santos lên nắm quyền thì mục tiêu chấm dứt cuộc xung đột vũ trang tại Colombia mới thành công. Quá trình đàm phán hòa bình đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tổ chức và cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc.

Tổng thống Santos chính thức khởi động tiến trình đàm phán hòa bình vào năm 2012 với vô vàn khó khăn và thách thức. Trải qua hơn 50 vòng đàm phán căng thẳng và phức tạp, chính phủ Colombia và FARC đã đạt được sự đồng thuận trong 6 nhóm vấn đề chính bao gồm: cải cách nông thôn; sự tham gia của FARC vào chính trường hợp pháp; cuộc chiến chống ma túy; bồi thường cho các nạn nhân của xung đột vũ trang; ngừng bắn song phương; giải giáp vũ khí và việc các thành viên của FARC tái hòa nhập cộng đồng.

Để thông qua kết quả tiến trình đàm phán, Tổng thống Santos cũng đã đưa ra sáng kiến tổ chức trưng cầu ý dân để tất cả các công dân Colombia đều có thể bày tỏ nguyện vọng đồng ý hoặc phản đối thỏa thuận hòa bình đã đạt được vì mục tiêu chấm dứt cuộc xung đột vũ trang. Cuộc trưng cầu ý dân này sẽ được tổ chức trong một vài tuần tới sau khi được Tòa án Hiến pháp chấp thuận.

Hòa bình sẽ tạo điều kiện cho Colombia bước vào giai đoạn phát triển bền vững. Quyết định giải quyết dứt điểm cuộc xung đột vũ trang sẽ đem lại những lợi ích kinh tế lớn lao cho đất nước Colombia. Một số chuyên gia dự báo rằng thắng lợi trong tiến trình tìm kiếm hòa bình có thể giúp GDP của Colombia tăng gấp đôi sau mỗi 9 năm và tốc độ tăng trưởng đó sẽ gấp hai lần hiện nay. Thu nhập bình quân đầu người tại quốc gia Nam Mỹ này cũng được dự đoán đạt mức 12.000 USD trong vòng một thập kỷ tới so với mức 6.800 USD hiện nay. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ lên mức 36 tỷ USD trong những năm tới so với 12 tỷ USD trong năm 2015, cột mốc từng đưa Colombia vào nhóm 20 nước dẫn đầu về thu hút FDI trên thế giới.

Colombia là một trong 17 quốc gia có sự đa dạng sinh học lớn nhất thế giới. Một điểm tích cực nữa của tiến trình hòa bình là việc Colombia sẽ tiết kiệm được khoảng 2,3 tỷ USD mà nước này phải chi mỗi năm để phòng tránh tình trạng suy thoái môi trường do cuộc xung đột vũ trang gây ra. Colombia sẽ không phải trích vốn ngân sách cho việc khôi phục các diện tích rừng bị tàn phá vì xung đột vũ trang, các dịch vụ y tế cho những người mắc các bệnh do nhiễm độc thủy ngân xuất phát từ tình trạng khai thác mỏ trái phép, và làm sạch những khu vực bị tràn dầu và khôi phục hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi các vụ tấn công phá hoại hệ thống đường ống dẫn dầu.

Môi trường hòa bình mới sẽ cải thiện tối đa chất lượng đời sống của nhân dân Colombia, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội làm ăn to lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chiến tranh đã chấm dứt. Ước mơ được chứng kiến ngày cuối cùng của cuộc xung đột đã trở thành sự thực. Một đất nước Colombia mới đang trỗi dậy từ mảnh đất hòa bình. Những phép màu xã hội và kinh tế từ một nền hòa bình lâu dài và bền vững đã chính thức được khởi động.

Carlos Alfonso Alban Franco (Đại biện ĐSQ Colombia tại Việt Nam)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN