Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Liên đoàn bác sĩ Marburg đại diện cho 127.000 thành viên trên toàn nước Đức cùng nhiều hiệp hội y tế cảnh báo rằng nếu các bệnh viện không tạm ngừng tiến hành các ca phẫu thuật chưa cần kíp, các cơ sở điều trị tích cực sẽ bị quá tải và không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang ngày một gia tăng.
Trong khi đó, hiện nhiều bệnh viện, xuất phát từ lý do tài chính, không sẵn sàng thực hiện việc trì hoãn này. Theo các hiệp hội bác sĩ, cần phải điều chỉnh lại chính sách y tế tại các bang có số ca lây nhiễm cao, cụ thể là giảm hoặc tạm ngừng các trường hợp can thiệp nội trú có thể trì hoãn, cũng như hỗ trợ tài chính cho các bệnh viện liên quan.
Liên quan tình hình dịch bệnh ở Đức, Viện Robert Koch (RKI) sáng 14/11 thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm gần 22.500 ca nhiễm mới, giảm nhẹ so với một ngày vốn đạt mức cao kỷ lục trước đó (gần 23.600). Tính tới thời điểm này, Đức đã có 371/412 khu vực vượt quá giới hạn 50 ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong vòng 7 ngày, mức tương đương 90% số khu vực ở Đức được coi là các điểm nóng COVID-19.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại các trường học hiện đang ở mức đáng báo động khi có tới khoảng 350.000 giáo viên và học sinh phải cách ly vì COVID-19. Chuyên gia y tế của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Karl Lauterbach đã lên tiếng cảnh báo việc tiếp tục duy trì mô hình học tập như hiện nay. Theo ông Lauterbach, các trường học đang rơi vào tình huống rủi ro cao đối với học sinh, giáo viên và người thân. Ông kêu gọi cần chia lại lớp học ở các trường, thay đổi hằng tuần giữa học ở trường và học ở nhà, đồng thời tuân thủ đeo khẩu trang ở trường cũng như tăng cường trang bị thiết bị lọc không khí cơ động. Ông cũng cảnh báo việc sớm nới lỏng các quy định phòng chống COVID-19 hiện nay.
Trong một thông điệp qua video ngày 14/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel một lần nữa cảnh báo dân chúng về những ngày tháng khó khăn phía trước do sự lây lan của dịch COVID-19. Trong bối cảnh tình hình lây nhiễm chưa thuyên giảm, nhiều khả năng Thủ tướng Merkel và các thủ hiến bang của Đức sẽ phải xem xét siết chặt thêm các biện pháp phòng ngừa trong cuộc thảo luận trực tuyến vào đầu tuần tới.
Cùng ngày, Hy Lạp thông báo đóng cửa các trường tiểu học cơ sở, vườn trẻ và các trung tâm chăm sóc trẻ và người già ban ngày cho đến ngày 30/11 do số ca nhiễm gia tăng đang gây quá tải đối với hệ thống y tế của nước này.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Hy Lạp Vassilis Kikilias nêu rõ: "Chính phủ Hy Lạp quyết định ngừng hoạt động của các trường học cho đến ngày 30/11. Biện pháp này cho thấy tình hình dịch bệnh đang diễn biến nghiêm trọng". Việc học từ xa đã được áp dụng đối với học sinh trung học cơ sở và sinh viên đại học.
Kể từ cuối tháng 10, số ca tử vong trong ngày do COVID-19 tại Hy Lạp đã tăng gấp 4 lần với một số ngày ghi nhận có 50 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm mới tăng gấp đôi lên tới khoảng 3.000 ca/ngày. Chính phủ Hy Lạp đã áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế và ban hành lệnh phong tỏa lần thứ hai trên toàn quốc kéo dài đến ngày 30/11, trong đó có một lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau, ngoại trừ lý do thiết yếu như công việc hay vấn đề về sức khỏe.