Ngày 20/11, trả lời hãng thông tấn quốc gia TASS, Người ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi có một kênh liên lạc đặc biệt bảo mật giữa hai tổng thống Nga và Mỹ. Hơn nữa, sử dụng được cả với liên lạc video”. Tuy nhiên, ông cho biết kênh liên lạc này hiện nay không còn được sử dụng.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh rủi ro hạt nhân gia tăng và căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Trước đó, theo học thuyết hạt nhân sửa đổi mới được công bố ngày 19/11, Tổng thống Nga Putin đã mở rộng diện các trường hợp mà nước này được phép tấn công hạt nhân nhằm đáp trả các cuộc tấn công thông thường. Động thái này được đưa ra sau vài ngày kể từ khi có thông tin cho biết Tổng thống Mỹ Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào Nga.
Điều đặc biệt nữa là trong ngày Nga công bố học thuyết hạt nhân thì Ukraine cũng đã sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, đánh dấu một bước ngoặt mới vào giai đoạn 1.000 ngày cuộc chiến tại Ukraine.
Phía Nga cho biết việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS là một tín hiệu rõ ràng cho thấy phương Tây muốn leo thang xung đột. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti ngày 20/11, ông Peskov cáo buộc phương Tây đang tìm cách gây ra thất bại chiến lược cho Nga bằng cách cho phép Kiev tấn công sâu vào Nga bằng vũ khí do Mỹ sản xuất. Ông cho biết thêm: "Và tất nhiên, họ sử dụng Ukraine như một công cụ để đạt được những mục tiêu này".
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thường xuyên đề nghị Mỹ và các nước NATO cho phép sử dụng vũ khí tầm xa. Ông nhận định những vũ khí trên là cần thiết để phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự và vận tải quan trọng của Nga.
Trong khi đó, Nga khẳng định những vũ khí như vậy không thể được phóng đi nếu không có sự hỗ trợ hoạt động trực tiếp của Mỹ. Nước này cảnh báo việc sử dụng những vũ khí này sẽ biến Mỹ trở thành bên tham chiến trực tiếp trong cuộc chiến và ép buộc Nga phải tiến hành trả đũa.
Các nhà ngoại giao Nga đánh giá cuộc khủng hoảng giữa Nga và Mỹ hiện nay có thể so sánh với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi hai siêu cường thời Chiến tranh Lạnh đã tiến gần nhất đến chiến tranh hạt nhân có chủ đích. Họ cũng cho rằng phương Tây đang phạm sai lầm nếu nghĩ rằng Nga sẽ lùi bước trong vấn đề Ukraine.
Điện Kremlin cho biết Nga coi vũ khí hạt nhân là phương tiện răn đe và học thuyết hạt nhân sửa đổi của nước này nhằm mục đích cho kẻ thù tiềm tàng thấy rõ hành động trả đũa là không thể tránh khỏi nếu họ tấn công Nga.