Mục tiêu xóa bỏ nạn đói được FAO nhấn mạnh năm nay khi tình hình an ninh lương thực thế giới đang trở thành vấn đề nóng. Cuộc chiến chống nạn đói đang đứng trước những áp lực mới. Nạn đói và suy dinh dưỡng đang gia tăng trở lại, đe dọa xóa bỏ hàng loạt tiến bộ đạt được trong những thập niên gần đây. Theo báo cáo an ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới 2018, FAO thống kê 821 triệu người trên thế giới đang bị suy dinh dưỡng mãn tính. Thế giới hiện nay đang tạo ra một lượng lương thực đủ để nuôi dân số toàn cầu, nhưng cứ 9 người trên thế giới lại có 1 người bị đói kinh niên. Số người thiệt mạng vì đói mỗi năm nhiều hơn số người chết vì bệnh sốt rét, lao và AIDS cộng lại. Suy dinh dưỡng gây tổn thất tương đương 3.500 tỷ USD/năm cho nền kinh tế toàn cầu.
Xung đột, biến đổi khí hậu, kinh tế suy thoái, bất bình đẳng là một số nguyên nhân chính khiến mục tiêu xóa sổ nạn đói toàn cầu trở thành thách thức. Các cuộc xung đột bạo lực trên toàn thế giới ngày một gia tăng cả về số lượng và cường độ, đặc biệt là ở các nước đã và đang đối mặt với mất an ninh lương thực. Hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác đã ảnh hưởng xấu đến nguồn cung cấp thực phẩm cũng như thu nhập. Những yếu tố này, kết hợp với suy thoái kinh tế và tốc độ béo phì gia tăng nhanh chóng ở các nước phát triển, đang làm gián đoạn hơn một thập niên tiến bộ trong cuộc chiến chống nạn đói và suy dinh dưỡng.
Chỉ trong năm 2017, thế giới đã phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất từ trước tới nay, với 20 triệu người đứng trước nguy cơ chết đói ở 4 nước - Nigeria, Somalia, Nam Sudan và Yemen. Số người bị đói tăng thêm 38 triệu so với năm trước đó, FAO ước tính mỗi 12 giây có một trẻ em thiệt mạng do không có thức ăn. LHQ cũng cảnh báo nếu xung đột tiếp diễn và biến đổi khí hậu không được ngăn chặn, từ nay tới năm 2030, sẽ có 35-122 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói, đồng nghĩa với nguy cơ cộng đồng quốc tế thất bại trong cuộc chiến chống nạn đói.
Trong bối cảnh này, Ngày Lương thực thế giới 2018 là thời điểm để cộng đồng quốc tế tăng gấp đôi nỗ lực, dùng hành động để hiện thực mục tiêu Xóa bỏ nạn đói (Zero Hunger) được nêu trong Chương trình nghị sự 2030 và Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Tháng 9/2015, 193 quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững của LHQ đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 và 17 Mục tiêu phát triển bền vững. Các nước tham gia đã cam kết chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. Nhiều mục tiêu, chẳng hạn như sức khỏe và giáo dục chất lượng cho mọi người, không thể đạt được mà không giải quyết nạn đói trước tiên. Mục tiêu xóa bỏ nạn đói do đó là một trọng tâm trong sứ mệnh của FAO.
Tuy nhiên, để đạt được Zero Hunger trên toàn thế giới yêu cầu cộng đồng quốc tế phải chung tay hợp tác chặt chẽ hơn với nhau, cả ở cấp độ toàn cầu và địa phương. Các chính phủ phải tạo cơ hội đầu tư cho khu vực tư nhân lớn hơn trong nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy các chương trình bảo trợ xã hội cho những nhóm người dễ bị tổn thương cũng như thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa các nhà sản xuất thực phẩm với các khu vực đô thị.
Trong khi đó, giới nông dân sản xuất nhỏ cần áp dụng các phương pháp nông nghiệp mới, bền vững để tăng năng suất và thu nhập. Đảm bảo sức bền bỉ của các cộng đồng nông thôn trong thời đại mới đòi hỏi một cách tiếp cận chú trọng đến môi trường, tăng cường đổi mới công nghệ và tạo ra các cơ hội việc làm ổn định. FAO ước tính rằng sản xuất nông nghiệp phải tăng khoảng 60% vào năm 2050 để nuôi một dân số lớn hơn và giàu có hơn nữa
Nhưng tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là không đủ, đặc biệt là đối với những quốc gia đang phải hứng chịu xung đột, bạo lực hay thiên tai tàn phá. Đối với những khu vực này, việc cần thiết là đưa ra những hành động cụ thể, những sáng kiến quy mô hẹp hơn nhưng thiết thực mà chính quyền, nông dân, đại diện khu vực công và người dân có thể thực hiện - từ các chương trình hỗ trợ nông dân sử dụng hạt giống có khả năng chịu hạn hán cho tới việc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh.
Có thể kể đến việc Chính phủ Philippines sử dụng máy bay không người lái để đánh giá thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt gây ra. Philippines phải đối mặt với gần 20 cơn bão mỗi năm, và nông dân tại đây thường là tầng lớp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hay câu chuyện về những người phụ nữ sống tại vùng Sahel bị hạn hán học cách trữ nước mưa để uống và trồng rau quanh năm thông qua sáng kiến “Một triệu phễu thoát nước của Sahel” của FAO; sáng kiến kết nối trực tiếp nông dân với trường học để cung cấp bữa ăn trưa bổ dưỡng cho học sinh, giảm thiểu tối đa tình trạng lãng phí lương thực trong sản xuất nông nghiệp và phân phối nông sản ở Guatemala.
Chính phủ, tổ chức, nông dân và khu vực tư nhân đã chứng minh nỗ lực và hành động cụ thể có thể tạo ra tác động rất lớn trong việc thúc đẩy mục tiêu xóa bỏ nạn đói. Tuy nhiên, khẩu hiệu hành động của Ngày Lương thực thế giới năm nay kêu gọi cả những nỗ lực hàng ngày của từng cá nhân. Bằng cách sử dụng tài nguyên của Trái Đất một cách khôn ngoan hơn, theo đuổi chế độ dinh dưỡng mạnh, giảm rác thải và lãng phí, tập trung vào lối sống bền vững hơn và chia sẻ những ý tưởng cũng như sáng kiến về một lối sống lành mạnh, tiết kiệm, mỗi người đều có thể góp một phần sức lực đưa thế giới đến gần hơn mục tiêu xóa sổ hoàn toàn nạn đói vào năm 2030.
Ngày Lương thực thế giới là cơ hội quan trọng để gửi một thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng: chúng ta có thể chấm dứt nạn đói và trở thành Thế hệ không còn nạn đói, nhưng mọi người cần phải làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu này. Đó cũng là ý nghĩa mà FAO muốn truyền đi: hành động không phải là một lựa chọn mà là bước đi cần thiết để xây dựng một tương lai thực sự bền vững cho tất cả mọi người.