Chuẩn Tướng Sabrar Kadispen Fadhilah, cho biết 740 nhân viên địa phương và gần 100 nhân viên y tế cùng các nhân viên cứu trợ, giao thông vận tải cũng đã được huy động đến khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất. Ngoài việc giúp sơ tán các cộng đồng bị ảnh hưởng cùng với đội cứu hộ và cảnh sát, chính quyền huyện Pidie Jaya cũng thành lập một trạm cứu trợ thiên tai trong đó có cả trạm y tế và bếp ăn.
Lực lượng cứu hộ Indonesia tìm kiếm các nạn nhân còn mắc kẹt trong đống đổ nát sau trận động đất tại tỉnh Aceh ngày 7/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bệnh viện duy nhất ở Pidie Jaya đã nhanh chóng quá tải khi số người bị thương được chuyển đến viện ngày càng nhiều. Giới chức bệnh viện cho biết đã tiếp nhận gần 200 người bị thương, song nhiều người không ở lại điều trị vì không đủ giường nằm và phương tiện. Chiều 7/12, lực lượng chức năng đã sử dụng máy bay để đưa các thiết bị hỗ trợ y tế, xe cứu thương đến Aceh.
Hiện có tới hơn 13.000 người phải sơ tán và trú tạm tại các nhà thờ Hồi giáo hoặc các địa điểm khác do bị mất nhà cửa và lo sợ các cơn dư chấn tiếp tục xảy ra.
Theo Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia (Basarnas), hiện công tác tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân trong trận động đất ở Aceh vẫn đang được tiến hành khẩn trương, hầu hết các trường hợp tử vong đã được xác định. Thống kê của Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia (BNPB) cho thấy trận động đất mạnh 6,5 độ Richter xảy ra ngày 7/12 đã khiến 99 người thiệt mạng và hơn 600 người bị thương trong đó 128 người bị thương nặng, hàng trăm người vẫn mất tích. Hàng trăm ngôi nhà bị hư hại hoặc bị san phẳng trong trận động đất này.
Indonesia nằm trong "Vành đai Lửa" Thái Bình Dương, do đó, nước này thường xuyên phải hứng chịu động đất và núi lửa phun trào. Năm 2004, một trận động đất mạnh xảy ra ngoài khơi tỉnh Aceh đã gây ra sóng thần, khiến hơn 225.000 người dân ở nhiều nước thuộc Ấn Độ Dương thiệt mạng. Riêng ở Indonesia có 170.000 người thiệt mạng trong trận động đất này, trong đó chủ yếu là người dân sinh sống ở tỉnh Aceh.