Hàng may mặc Trung Quốc sang Mỹ xuống mức thấp kỷ lục

Các biện pháp thuế quan cứng rắn của Mỹ đang gây tác động mạnh lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Ở lĩnh vực may mặc, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ liên tục giảm trong 4 tháng qua.

Chú thích ảnh
Hàng may mặc của Trung Quốc được trung bày tại triển lãm hàng may mặc ở New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) cho biết, trong tháng 5 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc chỉ đạt 556 triệu USD, thấp nhất kể từ năm 2003.

Giới chuyên gia cho rằng sự sụt giảm này phản ánh tác động trực tiếp từ các chính sách thuế quan mới của Mỹ. Giáo sư Sheng Lu tại Đại học Delaware (Mỹ) nhận định đây là kết quả của các biện pháp thương mại mang tính phòng vệ. Nhiều thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ Mỹ chuyển hướng đơn hàng sang các quốc gia khác như Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ và Mexico để giảm thiểu nguy cơ gia tăng chi phí.

Mặc dù những thay đổi thuế quan gần đây gây ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại nhưng trên thực tế, xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Mỹ theo hướng rời khỏi Trung Quốc đã hình thành từ trước, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong thời gian tới khi bức tranh tổng thể về mức thuế mới của Mỹ với các nước dần sáng tỏ hơn.

Trong khi đó, ngày 10/7, các quốc gia như Philippines, Nhật Bản và Chile đồng loạt bày tỏ mong muốn đàm phán với Mỹ sau khi Washington công bố các mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại, trong đó có các sản phẩm chủ lực như hàng điện tử, đồng và hàng may mặc.

Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết nước này đang lên kế hoạch đàm phán với Washington về việc giảm mức thuế 20% mà Mỹ mới công bố đối với hàng hóa nhập từ Philippines, tăng cao hơn so với mức 17% trước đó. Hiện chưa rõ mức thuế mục tiêu mà Philippines mong muốn đạt được.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Philippines đạt 23,5 tỷ USD trong năm ngoái, trong đó Mỹ chịu mức  thâm hụt 4,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm trước đó.

Tại Nhật Bản, tờ Yomiuri đưa tin chính phủ nước này cũng đang xúc tiến các cuộc đàm phán thuế quan với Washington trong thời gian Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tham dự Triển lãm Thế giới Expo 2025 tại Osaka vào cuối tháng này. Tokyo muốn tổ chức cuộc gặp cấp Bộ trưởng đầu tiên trong năm tại Nhật Bản trước hạn chót ngày 1/8 nhằm đạt được thỏa thuận song phương, sau khi Mỹ nâng thuế đối ứng đối với hàng hóa Nhật Bản từ 24% lên 25%.

Tại Nam Mỹ, Ngoại trưởng Chile Alberto Van Klaveren cho biết quốc gia Nam Mỹ đang tiếp xúc với các nhà nhập khẩu đồng tại Mỹ để đánh giá tác động của quyết định áp thuế 50% vừa được Washington công bố. Kim loại đỏ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Chile.

Theo tuyên bố đăng trên nền tảng Truth Social, Tổng thống Trump cho biết sẽ áp thuế 50% đối với đồng từ ngày 1/8 để đảm bảo an ninh quốc gia. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh đồng là kim loại thiết yếu đối với nhiều ngành chiến lược của nền kinh tế lớn nhất thế giới như chất bán dẫn, quốc phòng, hàng không, pin lithium-ion và trung tâm dữ liệu.

Thông báo này đã lập tức đẩy giá hợp đồng tương lai của kim loại đỏ trên sàn Comex lên mức cao kỷ lục, phản ánh lo ngại về nguồn cung và chi phí sản xuất trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng. Chile - quốc gia xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới - hiện đang theo dõi sát sắc lệnh hành pháp của Mỹ để xác định phạm vi ảnh hưởng và có phản ứng phù hợp.

Linh Tô (TTXVN)
Fed chia rẽ về ảnh hưởng của thuế quan đối với lạm phát
Fed chia rẽ về ảnh hưởng của thuế quan đối với lạm phát

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, biên bản cuộc họp gần nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới được công bố cho thấy những chia rẽ giữa các nhà hoạch định chính sách của cơ quan này về triển vọng lãi suất, chủ yếu bắt nguồn từ khác biệt trong kỳ vọng về việc thuế quan có thể ảnh hưởng đến lạm phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN