Hang động Lascaux tại Pháp, nơi lưu giữ thông điệp của người tiền sử

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, hang động Lascaux, thuộc tỉnh Dordogne, ở phía Tây Nam nước Pháp, là một trong những kho báu nghệ thuật tiền sử quan trọng nhất thế giới. Di sản văn hóa độc đáo này của nhân loại đã được UNESCO công nhận vào năm 1979 và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến thăm vùng này.

Chú thích ảnh
Một số hình ảnh được tái tạo theo phiên bản gốc tại hang Lascaux II. 

Nằm cách thủ đô Paris hơn 600 km về phía nam, hang động Lascaux được phát hiện một cách tình cờ vào năm 1940 nhờ bốn cậu bé địa phương. Bí mật của những cậu bé này sẽ không được thế giới biết đến nếu như họ chỉ giữ kín cho riêng mình. Nhưng họ đã không thể giữ nổi khi khoe với thầy giáo, người vốn ý thức được tầm quan trọng của những gì ẩn chứa bên trong hệ thống hang động tưởng như rất bình thường này. Ngay sau khi được thông báo tới nhà chức trách, hang động Lascaux đã nhanh chóng trở thành một phát hiện khảo cổ học mang tính đột phá. Những gì mà các nhà khoa học tìm thấy ở nơi này đã làm thay đổi hoàn toàn hiểu biết của con người về năng lực nghệ thuật và trí tuệ của người tiền sử.

Chú thích ảnh
Một số hình ảnh về những thiếu niên khám phá ra hang động Lascaux và quá trình khai quật của các nhà khảo cổ.

Hang Lascaux là một quần thể hang động với một động chính, hành lang và một số động nhỏ. Hầu hết hình ảnh đều được vẽ lên vách hang bằng bột màu khoáng, còn một số khác là những hình ảnh được chạm khắc vào đá. Với hơn 2.000 hình vẽ và chạm khắc được tạo ra cách đây khoảng 17.000 năm, chủ yếu là hình ảnh các loài động vật như bò rừng, ngựa, hươu và các sinh vật thần thoại trừu tượng, các tác phẩm nghệ thuật này không chỉ thể hiện sự khéo léo, sức sáng tạo của người tiền sử, mà còn phản ánh cuộc sống và phong tục tập quán của tổ tiên loài người trong thời kỳ đồ đá. Điều đặc biệt ấn tượng là chất lượng nghệ thuật phi thường của các tác phẩm, từ màu sắc sống động đến kỹ thuật phối cảnh tinh tế, cùng sự thể hiện những chuyển động linh hoạt của các con vật được mô tả.

Động chính, có tên gọi là phòng Bò tót, rộng 20,1m và cao 4,9m, còn có biệt danh là Rotonde. Đây là căn phòng có những bức tranh hoành tráng nhất trong hang, thu hút sự chú ý của toàn thế giới nhờ vào những bức tranh tường tuyệt đẹp mô tả cảnh săn bắn của người Pháp cổ.

Chú thích ảnh
Một số hình ảnh được tái tạo theo phiên bản gốc tại hang Lascaux II. 

Các nhà khảo cổ tin rằng hang động này đã được sử dụng trong thời gian dài như một trung tâm săn bắn và nơi cử hành các nghi lễ tôn giáo, do đó họ gọi nó là "Nhà nguyện Sistine của nghệ thuật tiền sử". Các chuyên gia nghiên cứu cũng cho rằng việc phát hiện ra hệ thống hang động Lascaux đã dẫn dắt con người đến những hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật, tôn giáo và đời sống của các cộng đồng người tiền sử, từ đó góp phần làm phong phú thêm kiến thức về lịch sử phát triển của nhân loại. Với những giá trị quý báu về khảo cổ, văn hóa và lịch sử, di chỉ khảo cổ này đã được UNESCO công nhận vào năm 1979, trở thành một biểu tượng của di sản văn hóa nhân loại.

Ngay sau khi chính thức mở cửa đón công chúng vào năm 1943, hang động Lascaux đã nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn. Chỉ trong vòng 15 năm kể từ khi mở cửa, hang Lascaux đã thu hút hơn 1 triệu lượt khách tham quan. Tuy nhiên, sự quá tải của du khách đã gây ra những thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm, dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc đe dọa các bức tranh cổ, khiến chúng nhanh chóng bị xuống cấp, thậm chí có nguy cơ bị hủy hoại. Điều này buộc chính quyền Pháp phải đóng cửa hoàn toàn hang Lascaux từ năm 1963 để bảo vệ di sản quý giá này.

Chú thích ảnh
Một số hình ảnh được tái tạo theo phiên bản gốc tại hang Lascaux II. 

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Jean-Louis Mourtier, một nhân viên làm việc tại khu di tích này cho biết năm 1998, ông đã có may mắn đến thăm hang gốc khi được phân công dẫn 4 nhà khoa học vào khảo sát nơi này trong 35 phút. "Hồi đó giấy phép được cấp rất hạn chế, nó giống như chìa khóa để mở cánh cửa vào hang. Có được giấy phép đó là một sự may mắn kinh khủng. Từ 2001 trở đi thì không một ai được phép vào đó nữa", ông cho biết thêm.

Nhưng đây không phải là sự kết thúc của câu chuyện Lascaux. Với quyết tâm giới thiệu kho báu này ra thế giới mà vẫn bảo vệ được nguyên bản, nay được gọi là Lascaux I, Pháp đã cho xây dựng Lascaux II, mở cửa vào năm 1983. Phiên bản II được mô phỏng chính xác hai phòng chính của bản gốc, từ cấu trúc hang động đến các hình vẽ, ngay cả màu gạch và màu than được sử dụng để vẽ các hình trên vách hang cũng là chất liệu mà người xưa đã dùng.

Ấn tượng với những gì được tham quan trong hang động Lascaux II, ông bà Jonathan và Francesca Muston, khách du lịch người Anh tâm sự: "Đây là chuyến thăm rất ý nghĩa bởi vì nó giúp chúng tôi hiểu rằng 21.000 năm trước chúng ta đã có mối quan hệ tuyệt vời với thiên nhiên, một sự cộng sinh hoàn hảo. Chúng ta hiểu rõ về thức ăn mà chúng ta sử dụng. Chúng ta biết ơn các loài động vật mà chúng ta ăn. Rất nhiều  hình vẽ tại hang động trong đó được mô tả cho thấy sự truyền tải của thông điệp này, cũng như sự tôn trọng của người xưa đối với thiên nhiên. Đó là lý do vì sao tôi muốn đến đây hôm nay. Hang nhân tạo này chỉ cách hang gốc hơn 200 m. Mọi chi tiết được tái tạo lại y hệt như nguyên bản và người Pháp đã phải mất mất 11 năm để tạo ra phiên bản II này. Thật là tuyệt vời!"

Chú thích ảnh
Bà Ludivine Texier, phụ trách khu di tích Lascaux II, giới thiệu khu di tích nổi tiếng này. 

Theo bà Ludivine Texier, phụ trách khu di tích Lascaux II, để giữ gìn di sản gốc, đồng thời vẫn đáp ứng nhu cầu tham quan ngày càng lớn của khách du lịch, cách duy nhất là tạo ra phiên bản giống hệt và đó là lý do Gascaux II ra đời. "Ngay sau khi mở cửa vào năm 1983, Gascaux II trở thành khu dích tích được tham quan nhiều nhất và được nhiều người quay trở lại nhất trong vùng. Về sau này, do tình trạng quá tải của khách du lịch, chúng tôi đã xây dựng phiên bản Lascaux IV lớn hơn phiên bản II với tranh vẽ và cả những tranh khắc trên vách hang, ngoài ra còn có một bảo tàng di chỉ khảo cổ, được tích hợp với các hình ảnh 3D nên sinh động hơn rất nhiều. Nhờ đó lượng khách du lịch đến Gascaux II giảm đi, khách có thể ở lại tham quan lâu hơn và chúng tôi có thời gian để làm sạch khu vực hang động phiên bản II này", bà Ludivine Texier giải thích và cho biết thêm phiên bản Lascaux III được xây dựng với hình thức linh hoạt hơn nhằm có thể đưa đi phục vụ cho các triển lãm lưu động quốc tế.

Chú thích ảnh
Phiên bản Lascaux IV, khánh thành năm 2016, là bản sao hoàn hảo của hang động nguyên bản.

Khánh thành năm 2016, phiên bản Lascaux IV là bản sao hoàn hảo của hang động nguyên bản. Các chuyên gia đã sử dụng công nghệ hiện đại nhất để tái tạo chính xác từng chi tiết của hang động gốc, từ địa hình đến kết cấu đá, và đặc biệt là những bức tranh tường với độ chính xác tuyệt đối. Lascaux không chỉ là một điểm đến văn hóa đơn thuần mà là trung tâm của một hệ sinh thái du lịch phong phú tại vùng Dordogne.

Để phát huy giá trị tiềm năng này, khu phức hợp Lascaux IV, với diện tích 8.500 mét vuông, đã cung cấp cho du khách một trải nghiệm đa chiều thông qua việc tham quan hang động tái tạo với hướng dẫn viên chuyên nghiệp, trung tâm nghiên cứu nghệ thuật tiền sử hiện đại, xưởng thực hành nghệ thuật tương tác, rạp chiếu phim 3D về lịch sử hang động và không gian triển lãm kỹ thuật số. Bản sao này cho phép du khách trải nghiệm cảm giác như đang ở trong hang động thực sự mà không làm tổn hại đến các tác phẩm gốc. Hằng năm, quần thể di tích Lascaux đón hơn 250.000 lượt khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế địa phương và quốc gia.

Chú thích ảnh
Khách tham quan phiên bản Lascaux IV, khánh thành năm 2016, là bản sao hoàn hảo của hang động nguyên bản.

Lascaux không chỉ là một di sản của Pháp mà là di sản của toàn nhân loại. Nó là minh chứng cho khả năng sáng tạo nghệ thuật của con người từ buổi bình minh của văn minh, và là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ mai sau. Đối với người Pháp, việc bảo tồn và phát triển Lascaux một cách bền vững không chỉ là trách nhiệm với quá khứ, mà còn là món quà để lại cho tương lai.

Bài và ảnh: Nguyễn Thu Hà (TTXVN)
Tiếp tục khám phá hang động dài nhất châu Á
Tiếp tục khám phá hang động dài nhất châu Á

Các nhà khoa học Trung Quốc, Pháp, Bồ Đào Nha, Bỉ cùng nhiều nước đã tập trung tại hang Shuanghe - hang động được biết đến là dài nhất châu Á, ở tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc, để tham dự buổi lễ công bố cuộc thám hiểm khoa học quốc tế lần thứ 23.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN