KDI dẫn Báo cáo Hạnh phúc Thế giới do Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) thuộc Liên hợp quốc (LHQ) xác định xếp hạng của các quốc gia, cho điểm nhiều dữ liệu khác nhau như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người, tuổi thọ, hỗ trợ xã hội và tự do xã hội từ năm 2018 đến năm 2020, cho thấy Hàn Quốc được xếp hạng thứ 35 trong số 37 thành viên OECD, chỉ trước Hy Lạp ở vị trí thứ 36 và Thổ Nhĩ Kỳ ở vị trí thứ 37. Trong khi đó, Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới lần thứ 4 liên tiếp, tiếp đến là các nước Đan Mạch, Thụy Sĩ, Iceland và Hà Lan.
Ngoài Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của LHQ, các số liệu thống kê khác được trích dẫn trong báo cáo của KDI cho thấy người dân Hàn Quốc cũng đang sống một cuộc sống khó khăn.
Thống kê của OECD cho thấy người dân Hàn Quốc vẫn làm việc nhiều giờ hơn so với người dân ở các quốc gia thành viên OECD khác. Hàn Quốc hiện xếp thứ hai (sau Mexico) về số giờ làm việc hàng năm tính trên đầu người. Tính đến năm 2019, một người Hàn Quốc đã làm việc 1.967 giờ/năm, nhiều hơn 241 giờ so với mức trung bình của OECD là 1.726 giờ/năm. Người Mexico đã làm việc 2,137 giờ/năm.
Trẻ em ở Hàn Quốc cũng không phải là ngoại lệ, khi báo cáo năm 2020 của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) về tình trạng hạnh phúc của trẻ em cho thấy trẻ em nước này được xếp hạng 34 trong số 38 quốc gia về sức khỏe tâm thần.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng là dân số già nhanh chóng. Theo KDI, số lượng người cao tuổi ở Hàn Quốc tăng 4,4% hàng năm từ năm 2011 đến năm 2020, cao hơn nhiều so với mức trung bình của OECD là 2,6%.
Thêm vào đó, tỷ lệ nghèo của người cao tuổi là 43,4% vào năm 2019, cao nhất trong các nước OECD khi tỷ lệ trung bình chỉ là 14,8%.
Numbeo - một trang web thu thập dữ liệu chi phí sinh hoạt toàn cầu - đã đưa ra một phân tích tương tự, cho thấy chất lượng cuộc sống của người dân Hàn Quốc đứng thứ 42 trong số 83 quốc gia được khảo sát trong năm nay. Xếp hạng của "Xứ sở Kim chi" cũng thấp hơn một số quốc gia đang phát triển như Nam Phi. Numbeo cho điểm chất lượng cuộc sống của mỗi quốc gia sau khi phân tích chi phí sinh hoạt, sức mua, mức độ ô nhiễm, tỷ lệ tội phạm, khí hậu và chất lượng hệ thống y tế, cũng như thời gian đi lại của hệ thống giao thông. Numbeo cho thấy Thụy Sĩ đứng đầu về chất lượng cuộc sống, tiếp theo là Đan Mạch, Hà Lan và Phần Lan.
Liên quan đến vấn đề này, một báo cáo mới công bố của OECD cũng cho thấy tỷ lệ lo âu và trầm cảm đã tăng gần gấp hai lần kể từ khi đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới. Tại Hàn Quốc, tỷ lệ những người cảm thấy chán nản hoặc trầm cảm do dịch COVID-19 đã lên tới 36,8%, con số cao nhất trong số 15 quốc gia được khảo sát.
Theo báo cáo này, các yếu tố rủi ro về sức khỏe tâm thần bắt nguồn từ đại dịch COVID-19 như bất ổn kinh tế và thất nghiệp đã trở nên rõ ràng hơn, trong khi các tương tác xã hội và cơ hội về việc làm, giáo dục và luyện tập thể thao có thể bù đắp những rủi ro này đã biến mất khỏi cuộc sống hàng ngày của nhân loại. Tuy việc thiếu dữ liệu ở thời điểm trước đại dịch bùng phát đã cản trở việc so sánh tình hình trước và sau đại dịch, song có thể nói tỷ lệ rối loạn tâm thần ở Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2020 đã cao hơn rõ rệt so với các nước trong OECD. Tại Hàn Quốc, 29,5% dân số có các triệu chứng lo âu hoặc rối loạn lo âu, trong khi 36,8% có các triệu chứng trầm cảm hoặc bị trầm cảm, mức cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào được khảo sát.