Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Mạng lưới tư vấn và kế toán toàn cầu PwC đã công bố báo cáo mới nhất về môi trường làm việc của phụ nữ có tiêu đề “Chỉ số phụ nữ trong công việc”. Báo cáo tập trung vào 5 chỉ số, bao gồm khoảng cách tiền lương theo giới, tỷ lệ tham gia lao động của phụ nữ, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ, tỷ lệ nữ làm việc toàn thời gian và khoảng cách về giới trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động.
Báo cáo được thực hiện dựa trên dữ liệu thống kê từ năm 2022 và khảo sát 33 trên 38 nước thành viên OECD, ngoại trừ Colombia, Costa Rica, Latvia, Lithuania và Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả cho thấy, trong đánh giá tổng thể 5 chỉ số, Hàn Quốc đứng thứ 32/33 quốc gia được khảo sát, chỉ đứng trên Mexico, và vị trí này không thay đổi so với năm trước, cho thấy không có nhiều cải thiện về điều kiện và môi trường làm việc của phụ nữ ở Hàn Quốc.
Báo cáo cho biết cả 3 quốc gia đứng cuối bảng - gồm Mexico, Hàn Quốc và Chile - đều có tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường việc làm thấp trong năm 2022, lần lượt ở các mức 50%, 62% và 58%. Tỷ lệ này trên toàn OECD là 72%. Cũng theo báo cáo, năm 2022, khoảng cách tiền lương theo giới ở Hàn Quốc (tức chênh lệch tiền lương trung bình theo giờ giữa nam và nữ) ở mức 31,2%, một tỷ lệ khá cao.
Báo cáo cũng đưa ra thống kê, từ năm 2011 khi báo cáo lần đầu được công bố đến năm 2022, khoảng cách lương trung bình giữa hai giới ở các nước OECD chỉ giảm 3 điểm phần trăm. Năm 2022, chỉ số này tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm trước, lên 13,5%. Điều này cho thấy, mặc dù hoạt động kinh tế của phụ nữ nhìn chung đã tăng lên trong thập kỷ qua nhưng họ vẫn là nhóm dễ bị tổn thương hơn về mặt thu nhập trên thị trường lao động, đặc biệt là trong các công việc lương cao. Báo cáo dự báo, với tốc độ hiện tại, có thể phải mất hơn nửa thế kỷ để giảm khoảng cách tiền lương giữa hai giới ở tất cả các quốc gia.