Phó Giám đốc điều hành Oxfam tại Anh Penny Lawrence đã từ chức, đồng thời nhận hoàn toàn trách nhiệm về việc xử lý "không hợp lý" vụ việc. Ảnh: stuff.co.nz |
Trong một tuyên bố, Chính phủ Haiti cho biết Oxfam đã mắc phải "sai sót nghiêm trọng" khi không thông báo cho giới chức nước này về những hành động không đúng mực của các nhân viên vào thời điểm xảy ra vụ việc. Tuyên bố nhấn mạnh những hành động và tội ác đáng lên án của các nhân viên Oxfam cùng sai sót của tổ chức phi chính phủ này trong việc xử lý vụ việc là "sự vi phạm nghiêm trọng phẩm giá của người dân Haiti". Do đó, Oxfam sẽ bị đình chỉ hoạt động trong 2 tháng để chờ kết luận của cuộc điều tra nội bộ do Haiti tiến hành.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Kế hoạch và Hợp tác với nước ngoài Aviol Fleurant cho biết nếu cuộc điều tra của Haiti phát hiện được mối liên hệ giữa các hành động phạm tội và khoản tiền mà Oxfam nhận được để giúp người dân Haiti, các nhân viên Oxfam sẽ bị coi là các nhân vật "không được hoan nghênh" và sẽ phải ngay lập tức rời khỏi nước này.
Trong phản ứng của mình, luật sư Alain Lemithe của Oxfam cho rằng quyết định đình chỉ hoạt động của tổ chức từ thiện này là "vội vã và mang tính chính trị", không dựa vào bằng chứng rõ ràng. Trước đó, hôm 20/2, trong cuộc điều trần trước một ủy ban của nghị viện Anh, Giám đốc điều hành Oxfam Mark Goldring đã chính thức xin lỗi Chính phủ Haiti vì những sai sót trong việc xử lý vụ việc cũng như việc không nhanh chóng thông báo với giới chức địa phương.
Dư luận bắt đầu dậy sóng sau khi tờ Times (Anh) công bố hồ sơ điều tra về đội ngũ nhân viên cấp cao của Oxfam vướng vào bê bối tình dục trong thời gian đến Haiti cứu trợ nhân đạo sau trận động đất kinh hoàng năm 2010. Theo tờ này, năm 2011, các nhân viên Oxfam đã đưa các cô gái làm tiền địa phương vào căn nhà mà Oxfam thuê để tổ chức tiệc tùng. Sau bài bào, Phó Giám đốc điều hành Oxfam tại Anh Penny Lawrence đã từ chức, đồng thời nhận hoàn toàn trách nhiệm về việc xử lý "không hợp lý" vụ việc. Chính phủ Anh cũng đã triệu các nhà lãnh đạo của Oxfam đến để yêu cầu giải thích về cách thức xử lý vụ bê bối trên giữa lúc xuất hiện những cáo buộc tổ chức này đã tìm cách bưng bít sự việc. Theo đó, tổ chức này được cho là đã không cảnh báo các cơ quan viện trợ khác về những nhân viên liên quan, do đó những nhân viên này vẫn tiếp tục làm việc tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Trên thực tế, hồi năm 2011, Oxfam cũng đã tiến hành cuộc điều tra nội bộ về vụ việc trên song mãi đến ngày 19/2 vừa qua báo cáo này mới được công bố. Theo cuộc điều tra, 7 nhân viên của tổ chức này đã bị cáo buộc có quan hệ với gái làng chơi tại một căn nhà Oxfam thuê, và 3 nhân viên đã có hành động đe dọa một nhân chứng nếu tiết lộ vụ việc. Điều tra cũng cho thấy ông Roland Van Hauwermeiren, Giám đốc Oxfam tại Haiti vào thời điểm đó, thừa nhận có mua dâm trong văn phòng Oxfam ở Haiti. Tuy nhiên, Oxfam sau đó đã sa thải 4 nhân viên, trong khi cho phép 3 nhân vật khác, trong đó có ông Hauwermeiren ra đi trong danh dự. Oxfam cũng không thông báo kết quả điều tra nội bộ này với các tổ chức nhân đạo khác.
Oxfam là một liên minh quốc tế gồm 17 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại 94 quốc gia trên thế giới tập trung vào hoạt động xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng.