Theo đánh giá của Ban thư ký Quốc hội Campuchia đương nhiệm, đây là “sự kiện trọng đại và lịch sử” với nhiều hàm ý, nhất là yếu tố chuyển giao thế hệ từng bước ngay trong nghị trường quốc hội, cũng như trong thành phần nội các Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ mới mà cơ quan lập pháp này có trách nhiệm xem xét, thông qua trong ngày tiếp theo của kỳ họp thứ nhất, 22/8.
Trong 125 ghế quốc hội khóa mới, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền giành được 120 ghế và đảng bảo hoàng FUNCINPEC giành được 5 ghế. Quốc hội khóa mới có thành phần nghị sĩ trẻ hóa đáng kể so với các khóa trước.
Theo danh sách ứng cử viên trúng cử nghị sĩ Quốc hội khóa VII do Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia công bố, thành phần quốc hội khóa mới ở Campuchia có sự cân đối giữa các độ tuổi ở 3 thế hệ với 34 nghị sĩ trên 70 tuổi (chiếm 27%), 72 nghị sĩ có tuổi đời từ 50-70 (chiếm gần 58%) và 19 nghị sĩ dưới 50 tuổi (chiếm hơn 15%). Trong số này, có hai nghị sĩ lão thành ở độ tuổi trên 80 và hai nghị sĩ ở độ tuổi U40 .
Dẫn đầu danh sách được sắp xếp theo thứ tự thâm niên tuổi tác là hai nghị sĩ có tuổi đời ngoài 80, gồm Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm Samdech Heng Samrin (89 tuổi) và Samdech Kong Sam Ol (86 tuổi), đều thuộc CPP. Trong khi đó, ở phần cuối danh sách, hai nghị sĩ có tuổi đời dưới 40 là ông Neang Channak (39 tuổi) và ông Nhoeun Raden (37 tuổi), thuộc đảng bảo hoàng FUNCINPEC.
Theo giới quan sát, bên cạnh chi tiết có đại diện của hơn một chính đảng tham gia, điểm mới so với quốc hội đương nhiệm, thành phần Quốc hội Campuchia khóa VII còn cho thấy mức độ trẻ hóa đáng kể, cũng như yếu tố đan xen giữa nhiều thế hệ chính khách. Điều này mang tới nhiều thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho nhiệm kỳ hoạt động sắp tới của cơ quan lập pháp ở đất nước Chùa Tháp.
Theo nhà báo kỳ cựu Puy Kea, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia (CCJ), có hai điểm lưu ý trong thành phần Quốc hội Campuchia khóa mới. Đầu tiên là những thay đổi trong bộ máy quốc hội, đặc biệt là thành phần bộ máy lãnh đạo. Tiếp theo là sự đan xen giữa các đại biểu quốc hội cao niên và thế hệ trẻ, trong đó có nhiều đại biểu lớn tuổi.
Khẳng định yếu tố đan xen thành phần tuổi tác là điểm giúp cân bằng hoạt động trong nội bộ quốc hội, cũng như trong mối quan hệ giữa cơ quan lập pháp và hành pháp ở đất nước Chùa Tháp nhiệm kỳ mới, nhà báo Puy Kea cho rằng các thành viên chính phủ mới phần lớn thuộc thế hệ trẻ, trong khi quốc hội đa phần cao niên, thuộc thế hệ trước, những người giàu kinh nghiệm cả ở góc độ chính trị cũng như pháp luật.
Chủ tịch CCJ nhấn mạnh các chính khách lão thành có nhiều kinh nghiệm. Họ hiểu biết nhiều, tường tận mọi ngóc ngách. Họ ngồi ở nghị trường quốc hội, giám sát xem cơ quan hành pháp có thực hiện đúng quy định pháp luật, cũng như luật lệ vốn có từ trước đến nay ở Campuchia hay không.
Ông lưu ý đây là điểm rất hay, khi thế hệ trẻ thừa hành, thế hệ cao niên dõi theo, giám sát. Ông ví von “giống như trong bóng đá vậy, người trẻ đá, còn người già quan sát xem lối chơi có đảm bảo đấu pháp, kỹ thuật hay không. Theo ông, đây là một bước tiến mới trong quốc hội và chính phủ mới của Campuchia.
Chia sẻ quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Neak Chandarith, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế và Chính sách công, Đại học Hoàng gia Phnom Penh (RUPP) cho rằng việc bố trí cho các chính khách trẻ tham gia Quốc hội khóa VII đã được dự liệu, sắp xếp ít nhất từ 3, 4 năm qua. Qua đó, quốc hội khóa này đã mở ra cơ hội cho thế hệ kế tục, khi các chính khách trẻ có cơ hội tổ chức, quản lý, lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ tới.
Từ góc nhìn đó, Tiến sĩ chuyên ngành khoa học chính trị Neak Chandarith nhận định: “Có thể nói nhiệm kỳ này là một cơ hội, tức đã đến thời điểm, bối cảnh hay bước ngoặt chính trị của đất nước Campuchia, đưa tiến trình phát triển chính trị của mình đến một cấp độ phù hợp với xu thế và bối cảnh địa chính trị, cũng như tiến trình phát triển kinh tế của đất nước và khu vực.”.
Tuy nhiên, Chủ tịch CCJ Puy Kea cho rằng bối cảnh đó cũng đặt ra thách thức đối với thế hệ trẻ mới lên, yêu cầu họ có gì mới để thể hiện. Bên cạnh đó, câu chuyện hai thế hệ sẽ phối hợp với nhau như thế nào cũng là một vấn đề. Ông đánh giá: “Còn phải chờ xem vì thông thường người cao tuổi thường dựa vào kinh nghiệm, trong khi người trẻ lại dựa vào kiến thức mới, nhận thức mới, quan điểm mới".
Đồng thuận với nhận định trên, Tiến sĩ Neak Chandarith cho rằng, bên cạnh yếu tố thuận lợi, Quốc hội Campuchia khóa mới cũng đối mặt với không ít thách thức mới, trong bối cảnh có nhiều đại biểu mới, lần đầu tiên tham gia, nhân sự đứng đầu cơ quan lập pháp này cũng là người mới. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu thuộc RUPP cũng lưu ý rằng đó không phải là thách thức không thể vượt qua. “CPP có sự cân nhắc và kinh nghiệm chính trị già dặn trong việc thay đổi người bảo vệ mới, phù hợp với thách thức mới trong bước ngoặt chính trị hiện nay”.
Cử tri Campuchia gửi gắm nhiều kỳ vọng vào quốc hội khóa mới với nhiều thay đổi. Ông Kong Vibol, 53 tuổi, một tài xế Tuk tuk ở phường Kraing Pongro (quận Dangkor, thủ đô Phnom Penh) bày tỏ quan điểm ủng hộ quốc hội mới được cải tổ theo hướng “có người già người trẻ”, cùng sự góp mặt của các cá nhân xuất sắc, có năng lực xây dựng đất nước trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Kingseng Sereyratha, 43 tuổi, giáo viên Trường THPT Chea Sim Chroy Changvar (thủ đô Phnom Penh) cũng bày tỏ tin tưởng nhiệm kỳ quốc hội mới ở nước này sẽ có nhiều thay đổi, tiến bộ và phát triển hơn nữa với nhiều người trẻ, đặc biệt có nhiều nhân vật giàu thành tích, phẩm chất tốt.
Sau phiên khai mạc sáng 21/8, Quốc hội Camphuchia khóa VII sẽ tiến hành kỳ họp thứ nhất dưới sự chủ trì của Samdech Heng Samrin, nghị sĩ trúng cử cao niên nhất trong cuộc bầu cử vừa qua, thực hiện quy trình tuyên bố tư cách nghị sĩ của từng thành viên trong cơ quan lập pháp nhiệm kỳ mới và thông qua quy chế làm việc của quốc hội khóa mới.
Trong ngày làm việc tiếp theo, 22/8, kỳ họp thứ nhất Quốc hội Campuchia khóa VII tiếp tục với các hoạt động bầu chủ tịch, phó chủ tịch quốc hội, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm các ủy ban chuyên trách của quốc hội; thực hiện quy trình biểu quyết tín nhiệm đối với Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ mới theo phương thức biểu quyết tín nhiệm đa số tuyệt đối trong tổng số nghị sĩ quốc hội.