Cuộc tổng tuyển cử được đánh giá diễn ra tự do, công bằng, minh bạch và an toàn, đồng thời mở ra cơ hội cho cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử ở quốc gia Đông Nam Á này.
Theo số liệu do NEC công bố, với gần 6,4 triệu phiếu ủng hộ, chiếm hơn 82% trong tổng số hơn 7,7 triệu phiếu bầu hợp lệ, CPP giành được 120 ghế nghị sĩ trong quốc hội Campuchia khóa mới. Năm ghế còn lại thuộc về đảng bảo hoàng FUNCINPEC với hơn 700.000 phiếu ủng hộ, chiếm tỷ lệ hơn 9% tổng số phiếu bầu hợp lệ. Đối với đại đa số người dân Campuchia, tiến trình bầu cử diễn ra trong trật tự, thông suốt và kết quả vừa công bố của NEC không có yếu tố bất ngờ.
Ông Ouch Sophat, 70 tuổi, viên chức hưu trí ở thủ đô Phnom Penh, cho biết “Tôi thấy đây là kết quả chính xác, rõ ràng trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ VII này. Vì cuộc bầu cử lần này có cộng đồng quốc tế đến theo dõi, giám sát, được tổ chức nghiêm túc, không có gian lận hay hiện tượng bất thường nào xảy ra”.
Ông Kong Vibol, một cử tri ở phường Kraing Pongro (quận Dangkor, Phnom Penh) cùng chung cảm nhận, bày tỏ phấn khởi với cuộc bầu cử được tổ chức công bằng và minh bạch vừa qua. Tài xế xe Tuk tuk 53 tuổi này lý giải “Bầu cử minh bạch tức là ai cũng như ai, không ai ép buộc ai, ai cũng có quyền bỏ phiếu công tâm theo ý mình, để lựa chọn người lãnh đạo đất nước”.
Trong khi đó, ông Kingseng Sereyratha, 43 tuổi, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Chea Sim Chroy Changvar ở thủ đô Phnom Penh cho rằng cuộc bầu cử lần này diễn ra như những lần trước, có nhiều đảng phái tham gia, có nhiều quan sát viên trong nước và quốc tế đến giám sát.
Tuy nhiên, theo ông, cuộc bầu cử năm 2023 này cũng có những điểm khác biệt và mới mẻ, người dân phấn khởi tham gia bỏ phiếu đông hơn những lần trước, thành phần nghị sĩ cũng đa dạng về lứa tuổi, có nhiều đảng phái tham gia quốc hội khóa mới... ". Ông Kingseng Sereyratha bày tỏ kỳ vọng với đội ngũ nghị sĩ trẻ, đặc biệt có nhiều nhân vật giàu thành tích, phẩm chất tốt, Quốc hội khóa tới sẽ có nhiều thay đổi, tiến bộ và phát triển hơn, mang tới nhiều điều tốt đẹp hơn cho Campuchia.
Theo NEC, cuộc bầu cử năm nay ghi nhận hơn 8,2 triệu cử tri tham gia bầu cử, chiếm gần 85% trong tổng số hơn 9,7 triệu cử tri trong danh sách, cao nhất so với các cuộc bầu cử được tổ chức tại đất nước Chùa Tháp trong 20 năm gần đây. Hơn 400 quan sát viên quốc tế từ 61 cơ quan, tổ chức quốc tế, khoảng 90.000 quan sát viên trong nước cùng hơn 60.000 nhân viên của các đảng phái đăng ký tham gia giám sát tiến trình bầu cử.
Trong tổng số hơn 40 đảng phái đăng ký hoạt động tại Campuchia, có 18 chính đảng đủ điều kiện tham gia tranh cử tại cuộc bầu cử vừa qua. Theo quan sát tiến trình bầu cử, chỉ có 8 chính đảng đăng ký ứng cử viên tại tất cả 25 khu vực bầu cử trong cả nước (gồm thủ đô Phnom Penh và 24 đơn vị hành chính cấp tỉnh khác).
Trong số này, đảng cầm quyền khẳng định thế mạnh vốn có khi giới thiệu 274 ứng cử viên (125 chính thức, 149 dự bị) với nhiều chính khách tên tuổi tham gia tranh cử tại tất cả các khu vực bầu cử và đã giành chiến thắng áp đảo. Đảng bảo hoàng FUNCINPEC cũng cho thấy vì sao họ giành được 5 ghế nghị sĩ còn lại khi có đến 278 ứng cử viên (125 chính thức, 153 dự bị) tham gia tranh cử tại 25 khu vực bầu cử trong cả nước.
Theo kết quả công bố chính thức của NEC, Chủ tịch CPP, Thủ tướng đương nhiệm Hun Sen trúng cử nghị sĩ Quốc hội Campuchia khóa VII tại tỉnh Kandal, cùng 9 ứng cử viên khác của đảng cầm quyền. FUNCINPEC giành được 1 ghế còn lại trong tổng số 11 ghế phân bổ ở khu vực bầu cử này.
Trong khi đó, Tiến sĩ Hun Manet cùng 10 ứng cử viên khác của CPP trúng cử tại khu vực bầu cử Phnom Penh, nơi được phân bổ 12 ghế nghị sĩ; ghế còn lại thuộc về Hoàng thân Norodom Chakravuth, Chủ tịch đảng FUNCINPEC. Ngoài địa bàn Phnom Penh và Kandal, đảng bảo hoàng FUNCINPEC giành được 3 ghế nghị sĩ khác ở khu vực bầu cử các tỉnh Prey Veng, Kampong Thom và Kampong Cham.
Sáng 7/8, Quốc vương Norodom Sihamoni đã ký Sắc lệnh hoàng gia, sắc phong Tiến sĩ Hun Manet, 45 tuổi, là Thủ tướng Vương quốc Campuchia nhiệm kỳ mới, qua đó bổ sung hoàn thiện thêm một điều kiện cần trên lộ trình ông Hun Manet trở thành người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia Campuchia, gồm sự nhất trí trong nội bộ đảng, trúng cử nghị sĩ quốc hội, được Quốc vương ân chuẩn. Một điều kiện nữa, là được Quốc hội tín nhiệm thông qua, dự kiến hoàn tất vào ngày 22/8 tới.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Neak Chandarith, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chính sách công, Đại học Hoàng gia Phnom Penh (RUPP) cho rằng kết quả bầu cử lần này là cơ hội lịch sử chưa từng có trong 500 năm qua đối với nhà lãnh đạo trẻ kế nhiệm ở Campuchia.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Neak Chandarith khẳng định: “Đây thực sự là cơ hội lịch sử của những người trẻ khi trong số các thành viên quốc hội giành được số phiếu ủng hộ áp đảo lần này, đa số ứng cử viên thuộc thế hệ trẻ". Theo chuyên gia này, kết quả trên sẽ tiếp tục củng cố nền hòa bình, pháp quyền và sự phát triển của đất nước, hướng tới giai đoạn mới trong chiến lược phát triển đưa Campuchia đạt mức thu nhập trung bình cao trước năm 2030.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chính sách công thuộc RUPP cho biết nếu tính từ cuộc bầu cử gọi là thúc đẩy tiến trình dân chủ ở Campuchia vào năm 1993 đến nay, cuộc bầu cử lần này mở ra cơ hội khác biệt và mang tính lịch sử, khi người dân tham gia bầu cử với tỷ lệ rất cao, lên đến hơn 84%. Chuyên gia Neak Chandarith cũng đánh giá việc CPP nhận được số phiếu ủng hộ áp đảo với tỷ lệ tín nhiệm cao, giành được đến 120 ghế nghị sĩ cũng là một điểm nhấn lịch sử trong bối cảnh chính trị của cuộc bầu cử vừa qua.
Cuộc tổng tuyển cử năm 2023 vừa khép lại trong không khí hòa bình, đồng thời mở ra cơ hội chuyển giao thế hệ lãnh đạo đất nước trong hòa bình trên quê hương Chùa Tháp. Đất nước và nhân dân Campuchia đang hướng tới cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử trong những ngày tới.
Người dân Campuchia đang chờ đợi nhà lãnh đạo mới có thể chèo lái đất nước hướng tới sự ổn định và phát triển bền vững. Điều này không chỉ củng cố vị thế của Campuchia trên trường quốc tế mà còn nâng cao uy tín của Campuchia như một đối tác tin cậy trong các nỗ lực hợp tác và phát triển toàn cầu.