Hai siêu tàu sân bay hạt nhân của Mỹ sắp bị loại biên liên tiếp

Sau nửa thế kỷ hoạt động khắp các đại dương, hai siêu tàu sân bay hạt nhân Mỹ sắp kết thúc sứ mệnh và đi vào lịch sử.

Chú thích ảnh
Siêu tàu sân bay USS Nimitz sắp ngừng hoạt động sau nửa thế kỷ. Ảnh: Hải quân Mỹ

Hải quân Mỹ mới đây thông báo sẽ cho ngừng hoạt động hai tàu sân bay hạt nhân và bán hai tàu tác chiến duyên hải lớp Independence cho quân đội nước ngoài. Tàu USS Nimitz (CVN-68) sẽ rời biên chế vào năm 2026, trong khi USS Dwight D. Eisenhower (CVN-69) "nghỉ hưu" một năm sau đó. Đây là một phần trong nỗ lực dài hạn nhằm hiện đại hóa đội tàu gồm khoảng 485 chiếc của Hải quân Mỹ.

Trong nhiều thập kỷ, hai hàng không mẫu hạm trên đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột quân sự. Tàu USS Nimitz 48 tuổi được đưa vào hoạt động năm 1975 và được chế tạo cho thời gian phục vụ dự kiến là 50 năm.

USS Nimitz là một trong những tàu chiến lớn nhất thế giới, với chiều dài 333 mét, lượng choán nước 100.020 tấn. Nó có thể chở tới 90 máy bay cánh cố định và trực thăng, cùng thủy thủ đoàn khoảng 6.000 người. Con tàu được cung cấp năng lượng bởi hai lò phản ứng hạt nhân Westinghouse A4W cho phép chạy với tốc độ hơn 30 hải lý/giờ và tầm hoạt động không giới hạn. Nó có các cảm biến và hệ thống vũ khí bao gồm radar, hệ thống tác chiến điện tử, tên lửa Sea Sparrow và Rolling Airframe, hệ thống vũ khí tầm gần Phalanx và súng máy .50 Browning.

Trong khi đó, tàu USS Dwight D. Eisenhower chạy bằng năng lượng hạt nhân, dài 333 m, lượng choán nước 101.600 tấn và là tàu lớp Nimitz thứ hai của Hải quân Mỹ. Tàu có trên 20 boong, trong đó riêng boong chiến đấu có thể chứa tới 60 máy bay, mỗi máy bay chỉ mất 1 phút cất hoặc hạ cánh trong điều kiện chiến đầu đầy đủ. Đội ngũ thủy thủ và các phi hành đoàn trên tàu lên tới 6.200 người.

Theo kế hoạch, tàu USS Nimitz sẽ di chuyển đến xưởng đóng tàu Virginia sau lần triển khai cuối cùng để bắt đầu quá trình hủy kích hoạt phức tạp liên quan đến việc loại bỏ nhiên liệu hạt nhân. Hiện tại, một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đã ngừng hoạt động khác, USS Enterprise, vẫn đang trong quá trình dài được ngừng kích hoạt này.

“Enterprise và Nimitz giống nhau ở chỗ chúng là những con tàu lớn, chắc chắn chứa các vật liệu nguy hiểm khác nhau ở mức độ thấp. Tuy nhiên, chúng có thiết kế khác nhau đáng kể, vì vậy cách tiếp cận để vô hiệu hóa sẽ phản ánh những khác biệt đó", ông Jamie Koehler, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Hệ thống Biển Hải quân, nói với trang Breaking Defense.

Chú thích ảnh
Tàu sân bay USS Eisenhower, được biên chế năm 1977, có thể mang theo 90 máy bay cánh cố định và trực thăng, với thủy thủ đoàn khoảng 6.000 người.  Ảnh: Defensenews

USS Nimitz là tàu sân bay đầu tiên thuộc lớp Nimitz của Hải quân Mỹ, và là một trong những chiến hạm lớn nhất thế giới. Đây cũng là tàu sân bay thứ hai của Hải quân Mỹ có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, sau chiến hạm USS Enterprise.

USS Nimitz bắt đầu được đóng vào ngày 22/6/1968 tại Công ty Đóng tàu và Bến tàu Newport News, thuộc bang Virginia. Con tàu được đặt theo tên vị Đô đốc huyền thoại Chester William Nimitz Sr., Tổng tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương trong thời kỳ Thế chiến II.

Năm 1972, USS Nimitz được hoàn thiện và chính thức hạ thủy vào ngày 3/5. Catherine Nimitz Lay, con gái của Đô đốc Chester William Nimitz, đã đích thân thực hiện nghi thức đập chai sâm-panh để tàu được “rửa tội” trước khi đi vào hoạt động

Chú thích ảnh
Bà Catherine Nimitz Lay đập chai sâm panh trong nghi thức "rửa tội" cho tàu USS Nimitz. Ảnh: Hải quân Mỹ

Ba năm sau, USS Nimitz được bàn giao cho Hải quân Mỹ. Kể từ đó cho đến nay, tàu đã hoạt động ở hầu hết các điểm nóng trên thế giới. Hàng không mẫu hạm này đã tham gia ít nhất 7 chiến dịch quân sự quy mô lớn của Hải quân Mỹ, cùng với nhiều cuộc tuần tra và tập trận với mục đích đảm bảo tự do hàng hải.

Theo thông báo của Hải quân Mỹ, đội tàu tác chiến ven bờ (LCS) cũng sẽ bị cắt giảm số lượng. Tàu USS Jackson và USS Montgomery, được đưa vào hoạt động năm 2015 và 2016, sẽ được bán cho hải quân nước ngoài. Tổng cộng có 23 tàu LCS đã được đưa vào hoạt động, nhưng các quan chức Hải quân Mỹ cho biết việc tái tập trung lớp tàu này vào các nhiệm vụ đối phó thủy lôi đồng nghĩa với việc họ cần ít tàu hơn.

Những chiếc LCS của Mỹ đã bị chỉ trích vì thiếu lớp giáp, hỏa lực yếu và dư thừa số lượng, khiến chúng dễ bị tấn công và gặp tai nạn. Những con tàu này cũng gây tốn kém vượt mức và gặp phải các vấn đề về độ tin cậy.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Popular Mechanics)
Mỹ và các đồng minh cân nhắc cấm xuất khẩu hầu hết hàng hóa sang Nga
Mỹ và các đồng minh cân nhắc cấm xuất khẩu hầu hết hàng hóa sang Nga

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang thảo luận về việc tiến tới cấm xuất khẩu hầu hết mặt hàng sang Nga. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN