Gương khổng lồ sưởi ấm làng nhỏ Na Uy

Các gia đình cùng vui vẻ uống cocktail, người lớn vẫy cờ, trẻ em hớn hở… Sự náo nhiệt hiếm có tại ngôi làng xa xôi ở miền nam Na Uy cuối tháng 10 vừa qua là để đón nhận ánh nắng mặt trời ấm áp được phản chiếu từ ba tấm gương khổng lồ.

Ba tấm gương khổng lồ.


Giống như các vùng khác ở Scandinavia, ngôi làng Rjukan thường rất lạnh giá trong mùa đông. Thêm vào đó, nơi đây nằm ở vị trí lọt thỏm giữa các dãy núi dốc đứng nên thường xuyên bị bao phủ trong bóng râm 6 tháng/năm. Vì vậy, để tăng thêm hàm lượng vitamin D, người dân địa phương thường phải đi cáp treo đến một vách núi gần đó để đón ánh nắng mặt trời.


Tuy nhiên, việc đón nắng nhọc nhằn này đã kết thúc khi một ý tưởng - đã nung nấu từ hàng thế kỷ - trở thành hiện thực. Máy bay trực thăng đã vận chuyển ba tấm gương khổng lồ với diện tích 17 m2 tới địa điểm ở độ cao 400 m ngay gần ngôi làng.


Ba tấm gương khổng lồ này có nhiệm vụ phản chiếu ánh mặt trời xuống quảng trường trung tâm, để dân làng tới đó sưởi ấm trong mùa đông. Một máy tính sẽ điều khiển chuyển động của những tấm gương sao cho chúng đón ánh nắng mặt trời một cách tối đa và hiệu quả nhất.


Nhân viên du lịch địa phương Karin Roe chia sẻ: “Trước kia, vào những ngày đẹp trời, bạn có thể nhìn thấy bầu trời xanh thẳm nhưng mặt trời thì “lặn mất tăm” sau các dãy núi. Nhưng bây giờ nhờ những tấm gương, tôi sẽ không phải lên đỉnh núi vào cuối tuần, và thật vui sướng vì chỉ cần ra ngoài trong một giờ là tôi có thể cảm nhận được sự ấm áp trên khuôn mặt”.


Làng Rjukan được nhà công nghiệp người Na Uy Sam Eyde xây dựng để làm nơi cư ngụ cho công nhân làm việc tại nhà máy thủy điện Norsk Hydro do ông làm chủ. Từ chỗ chỉ có 300 công dân sinh sống rải rác tại đây vào những năm 1900, dân số tại ngôi làng đã tăng lên 10.000 người vào năm 1913. Từ thời điểm đó, ý tưởng đem ánh mặt trời tới ngôi làng đã nhen nhóm trong tâm trí của Eyde. Tuy nhiên, ông đã không thể thực hiện được ý tưởng do những thiếu thốn về công nghệ. Thay vào đó, Eyde đã xây dựng cáp treo giúp dân làng có thể đón ánh nắng từ trên núi và hiện hệ thống cáp treo này vẫn còn được sử dụng.


Vào năm 2005, nghệ sĩ Martin Andersen đã làm hồi sinh ý tưởng của Eyde. Ông lý giải: “Vào mùa đông, chúng ta sẽ phải đi xa thung lũng để đón ánh nắng mặt trời, vậy tại sao chúng ta không đưa ánh nắng mặt trời đến với chúng ta?”. Tuy nhiên, ý tưởng này đã gặp nhiều khó khăn, không phải vì điều kiện công nghệ không cho phép như trước đây mà từ chính người dân làng. Họ đặt nghi vấn về sự hợp lý khi đầu tư tiền công vào dự án kỳ lạ này thay vì các dự án giáo dục.


Steinar Bergsland, thị trưởng của Rjukan, kể lại: “Nhiều người coi đó chỉ là một dự án giải trí chứ không phải là ý tưởng khám phá những con đường mới và hữu ích”.


Dự án đưa ánh nắng mặt trời đến với Rjukan trị giá 5 triệu kroner (khoảng 849.000 USD), trong đó 4 triệu kroner là của các nhà tài trợ. Và khi những tấm gương khổng lồ bắt đầu phát huy hiệu ích, người dân làng Rjukan đã hoàn toàn tin tưởng vào dự án này.


Điều đáng nói là ngoài mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, các nhà chức trách hy vọng những tấm gương sưởi ấm này sẽ thu hút giới truyền thông và qua đó, chào mời khách du lịch đến với ngôi làng. Ngoài ra, ngôi làng Rjukan cũng hy vọng sẽ có tên trong danh sách của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vào năm 2015. Rune Loedoeen, một dân làng, bộc bạch: “Nhiệm vụ của chúng tôi hiện giờ là sử dụng những tấm gương đó một cách hợp lý”.


Hà Linh (Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN