Cụ thể, nữ sinh 17 tuổi Greta Thunberg sẽ sử dụng số tiền thưởng 100.000 USD của giải Right Livelihood đạt được hồi tháng 12/2019 để thành lập Quỹ Greta Thunberg ở Thụy Điển.
Hồi tháng 1 vừa qua, nữ sinh Thunberg tiết lộ cô dự định sáng lập một quỹ để lên kế hoạch sử dụng các khoản tiền mà cô có được từ tiền bản quyền sách, tiền quyên góp và các giải thưởng.
Trong tuyên bố ngày 20/2, Giám đốc điều hành Quỹ Right Livelihood có trụ sở ở Thụy Điển Ole von Uexkuell, bày tỏ tin tưởng rằng quỹ mới của Thunberg sẽ "mang đến sức ảnh hưởng lớn và tạo ra một sự thay đổi rất cần thiết".
Năm ngoái, nữ sinh Thunberg đã được nêu tên là một nhân vật có thể giành giải Nobel Hòa bình 2019. Tuy nhiên, giải thưởng này đã được trao cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed ghi nhận những nỗ lực của ông trong việc giải quyết cuộc xung đột kéo dài với nước Eritrea láng giềng. Mặc dù vậy, Greta Thunberg đã vinh dự được trao giải thưởng hòa bình dành cho trẻ em vì những nỗ lực kêu gọi chống biến đổi khí hậu tạo hiệu ứng tích cực trong giới học sinh toàn cầu và đã được tạp chí Time bình chọn làm Nhân vật của Năm 2019.
Greta Thunberg là một trong số ngày càng nhiều người trên thế giới cam kết tài trợ cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu. Trước đó, đầu tuần này, nhà sáng lập Tập đoàn thương mại điện tử Amazon (Mỹ) Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới, tuyên bố dành 10 tỷ USD tài trợ cho các nhà khoa học, nhà hoạt động, tổ chức phi lợi nhuận và các tổ chức khác giúp bảo vệ môi trường và chống lại các tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.
Chống biến đổi khí hậu đã trở thành hành động phổ biến của các tỷ phú Mỹ trong những năm gần đây, trong đó có các “đại gia” Bill Gates, Michael Bloomberg và nhà quản lý quỹ dự phòng Tom Steyer của Microsoft.