‘Gót chân Asin’ của các hãng hàng không trong cuộc chiến COVID-19

Một số quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đóng cửa biên giới và áp đặt các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt, về cơ bản là cách ly khỏi thế giới. Tuy nhiên, duy nhất nhóm đối tượng tại các nước đó không phải chịu những quy định kiểm dịch: đó chính là tổ bay.

Chú thích ảnh
Tiếp viên hàng không tại một sân bay ở Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: CNA

Theo kênh CNN, trong hàng tháng trời bùng phát đại dịch COVID-19, tổ bay tại một số nơi, bao gồm Đài Loan (Trung Quốc) và Australia – được phép miễn thực hiện quy định cách ly nghiêm ngặt như đối với người nhập cảnh từ nước ngoài.

Tuy nhiên, sự cố vi phạm do các nhân viên hàng không gây ra hồi tháng 12/2020 tại hai địa điểm trên đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu rằng đặc quyền cho các nhân viên hàng không có đang tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.

Trong khi các chuyên gia y tế nói rằng việc ưu tiên các tổ bay là một lỗ hổng trong công tác phòng chống dịch xuyên biên giới thì các quan chức ngành hàng không lại cho rằng đặc quyền này sinh ra để duy trì hoạt động của ngành và tránh gây sức ép lên sức khỏe tinh thần của tổ bay.

Vậy chuyện gì đã xảy ra ở Australia và Đài Loan?

Ngày 22/12/2020, Đài Loan ghi nhận ca mắc cộng đồng đầu tiên sau hơn 250 ngày. Ngay lập tức, giới chức truy ra nguồn lây nhiễm là một phi công nước ngoài. Dẫn lời các quan chức y tế, kênh CNA đưa tin một phi công người New Zealand trong độ tuổi 60 đã lây cho một phụ nữ 30 tuổi sau khi hoàn thành 3 ngày cách ly theo yêu cầu dành cho phi công. Người phi công này đã bị giới chức Đài Loan xử phạt vì không khai rõ lịch trình tiếp xúc và cũng đã bị hãng hàng không sa thải.

Mặc dù ghi nhận ca nhiễm đầu tiên từ tháng 1/2020 song Đài Loan đã triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt để tránh một đợt bùng phát dịch lớn. Tổng cộng Đài Loan ghi nhận trên 800 ca mắc COVID-19, trong đó chỉ có 7 trường hợp tử vong. Hồi tháng 3/2020, Đài Loan đóng cửa biên giới với công dân nước ngoài và tất cả các trường hợp nhập cảnh sau đó đều phải cách ly 14 ngày, ngoại trừ nhân viên hàng không.

Theo quy định của địa phương, phi công chỉ cần cách ly 3 ngày trong khi tiếp viên hàng không là 5 ngày. Sau sự cố tháng 12/2020, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan đã thông báo kéo dài thời gian cách ly với tổ bay là 7 ngày và cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi được phép hoàn thành cách ly.

Chú thích ảnh
Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên sau 253 ngày "sạch bóng". Ảnh: AFP

Không chỉ có Đài Loan, một số nơi như Hong Kong (Trung Quốc), New Zealand và Australia cũng cho phép các đội bay miễn áp dụng các chính sách biên giới.

Quy định đối với tổ bay tại Australia khác biệt tại mỗi bang. Tại bang New South Wales, trong khi tổ bay Australia được phép tự cách ly tại nhà thì các tổ bay quốc tế bị yêu cầu cách ly tại các khu vực chỉ định cho đến khi thực hiện chuyến bay tiếp theo. Tuy nhiên, giới chức địa phương cũng không giám sát họ chặt chẽ như đối với hành khách nước ngoài.

Đầu tháng 12/2020, Australia ghi nhận một người lái xe chở nhân viên tổ bay dương tính với COVID-19. Cùng tháng đó, cảnh sát New South Wales phạt 13 nhân viên phi hành đoàn quốc tế 760 USD/người vì đã tới một số địa điểm ở Sydney trong thời gian đáng nhẽ họ nên cách ly. Ngay trước Giáng sinh, một thành viên phi hành đoàn hãng hàng không quốc gia Qantas xét nghiệm dương tính với COVID-19 trước khi bay từ Paris tới Darwin và sau đó lại phục vụ trong một chuyến bay nội địa.

“Chúng tôi luôn nói rằng đó là một mối nguy lớn, nhưng chúng tôi chấp nhận vì chúng tôi muốn đón người Australia trở về. Vấn đề ở đây là họ vi phạm quy định, chứ không phải bản thân quy định, và chúng tôi không thể lường trước”, Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian phát biểu.

Tại New Zealand, phần lớn thành viên phi hành đoàn được miễn kiểm dịch bắt buộc trong 14 ngày do "tầm quan trọng của việc duy trì các tuyến hàng không quốc tế”. Tại Hong Kong, những tổ bay không đến từ các quốc gia có nguy cơ cao như Anh và Mỹ có thể được tự do đi lại sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Một phần lý do khiến các đội bay được "thả lỏng" hơn trong quá trình cách ly được đưa ra là nhằm duy trì phát triển các nền kinh tế và hoạt động chuỗi cung ứng. Albert Tjoeng, phát ngôn viên của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đại diện cho 290 hãng hàng không, cho biết phi hành đoàn khác với những du khách thông thường. Họ thực hiện các chuyến bay lặp đi lặp lại và họ được thông báo đầy đủ về các rủi ro cũng như yêu cầu kiểm dịch. Nhân viên phi hành đoàn nhận thức sâu sắc rằng công việc của họ dễ bị tổn hại nếu như sai sót dẫn tới mất kiểm soát lây lan.

Tuy nhiên, đối với các chuyên gia y tế, đặc quyền dành cho các tổ bay tạo ra một lỗ hổng để virus SARS-CoV-2 có thể len lỏi vào những khu vực tưởng chừng như an toàn.

“Đối với tôi, nguy cơ các thành viên phi hành đoàn lây nhiễm không hề thấp hơn nguy cơ mà hành khách quốc tế mang lại. Nó vẫn là một lỗ hổng tiềm ẩn trong cả một hệ thống”, nhà dịch tễ học Mike Toole làm tại Viện Burnet nói với đài truyền hình ABC vào tháng 12.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Toàn cảnh chiến dịch tiêm phòng COVID-19 tại Châu Á
Toàn cảnh chiến dịch tiêm phòng COVID-19 tại Châu Á

Hai cường quốc châu lục là Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà, trong khi hầu hết các nước khác cấp tập chuẩn bị nguồn cung ứng, sẵn sàng triển khai ngay khi vaccine được phê duyệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN