Hai năm làm việc trong ngành thiết bị, Jiang Lei (28 tuổi) nhận thấy sự nghiệp của mình vẫn chẳng đi đến đâu, trong khi các đồng nghiệp thì không ngừng thăng tiến và được công nhận.
Jiang Lei nói: "Họ có thể không làm việc chăm chỉ như tôi, nhưng trong các mối quan hệ xã hội thì họ lại làm rất tốt và dường như cũng nhờ vậy mà thăng tiến trong sự nghiệp nhanh hơn. Điều đó khiến tôi tự hỏi liệu có những kỹ năng đặc biệt nào hoặc những khía cạnh nào trong suy nghĩ của bản thân mà tôi cần phải cần phải cải thiện hay không".
Jiang Lei bắt đầu suy ngẫm về những khoảnh khắc mình kém tinh tế như bỏ lỡ thời điểm thích hợp để nâng ly với cấp trên hoặc cố gắng từ chối những yêu cầu đơn giản từ đồng nghiệp. Do đó, anh đã tìm kiếm những khóa học rèn luyện "chỉ số trí tuệ cảm xúc" (EQ) trên mạng xã hội.
Vào năm 2022, Jiang theo học các khóa học phù hợp với nhu cầu của bản thân về các vấn đề như cách giao tiếp trong bữa tiệc, sự nhạy bén trong kinh doanh và mối quan hệ giữa các cá nhân... do những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cung cấp, với mức phí từ 199 đến 3.000 nhân dân tệ (680 nghìn đồng - 10 triệu đồng) mỗi khóa học.
Hiện tại, trong thời gian rảnh rỗi, Jiang dành hết tâm huyết để nghiên cứu mọi thứ, từ kinh tế đến tâm lý học. Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình với những bạn bè cũng gặp phải những thách thức và vấn đề tương tự tại nơi làm việc như mình.
Không chỉ ở Trung Quốc, nhiều người trẻ trên toàn cầu đều mong muốn cải thiện lợi thế cạnh tranh của họ trong thị trường lao động đang bị sa thải hàng loạt vì suy thoái kinh tế. Nắm bắt được nhu cầu này, những người tự xưng là "chuyên gia kỹ năng xã hội" sử dụng các từ khóa như "sự hòa nhập", "triển vọng việc làm" và "cạnh tranh khốc liệt trong ngành" để lôi kéo mọi người mua các khoá học.
Ma Caiying, nhân viên tại một công ty dịch vụ nhân sự ở thành phố Quảng Châu cho biết, nhiều công ty nhận ra tầm quan trọng của "trí tuệ cảm xúc" và đang cố gắng tích hợp nó vào các khóa đào tạo của họ, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực như xây dựng đội nhóm và giao tiếp. Cô nói rằng, hầu hết các lớp học trí tuệ cảm xúc trực tuyến đều nhắm mục tiêu xây dựng các kỹ năng thực tế, chẳng hạn như cách giao tiếp với sếp hoặc hòa hợp với đồng nghiệp.
Về phần Jiang, anh cho rằng những vấn đề của bản thân liên quan đến công việc tại công ty thiết bị này xuất phát từ sự giáo dục nghiêm khắc ngày bé khi còn sống tỉnh Sơn Đông. Đó là nguyên nhân khiến anh sống nội tâm và không thoải mái trong môi trường xã hội. Jiang cảm thấy mình gặp khó khăn khi hòa nhập với tập thể.
Các khóa học về EQ đã giúp anh thay đổi rất nhiều. Jiang đã học được cách bay tỏ ý kiến của bản thân một cách tự tin hơn, cách giao tiếp bằng mắt trong khi trò chuyện với người khác và cách chuyển hướng những câu hỏi không thoải mái. Ngoài ra, anh cũng dần biết cách hoà nhập và cũng nhờ đó mà tiếp cận được nhiều thông tin nội bộ giúp anh giải quyết những rắc rối trong công việc.
Zhang Meng (26 tuổi) làm việc tại trung tâm công nghệ Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc cho biết cô tin rằng trí tuệ cảm xúc trong công việc là thứ có thể đến một cách tự nhiên mà không cần đào tạo bài bản.
"Sau khi được tuyển dụng, bạn sẽ phải làm quen với văn hóa của công ty và rồi sẽ thích nghi với nó một cách tự nhiên", cô nói.
Đối với Zhang, kinh nghiệm thực tế và sự tiếp xúc với các môi trường khác nhau cũng có thể góp phần đáng kể vào việc rèn luyện trí tuệ cảm xúc của một người. Cô đã mở rộng mối quan hệ xã hội và kỹ năng kết nối của mình bằng cách tham gia các khóa học về nhiều chủ đề khác nhau. Một trong những khoá học mà Zhang đang tham gia là của Yang Tianzhen - một người quản lý nghệ sĩ nổi tiếng tại Trung Quốc.
Zhang nói: "Mọi người đều mong muốn trở thành một người như cô ấy. Thứ cô ấy đang bán là một phong cách sống".
Yang Tianzhen (39 tuổi) sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở thành phố Nam Kinh và theo học chuyên ngành đạo diễn tại Đại học Truyền thông Trung Quốc trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt.
Năm 29 tuổi, Yang đã thành lập công ty giải trí Nhất Tâm (Easy Entertainment) có trụ sở tại Bắc Kinh, được toàn giới giải trí biết đến với tài lăng xê nghệ sĩ "mát tay" của mình. Sáu năm sau, cô quyết định sản xuất quần áo cỡ lớn dành cho phụ nữ, khi mà chưa có nhiều nơi kinh doanh mặt hàng này và thu được nhiều hiệu quả tích cực.
Từng là một người phụ nữ có vẻ ngoài khá giản dị, Yang thay đổi cách ăn mặc và thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện truyền cảm hứng và động lực cho nhiều người. Chính sự tự tin không ngừng nghỉ và nghị lực tuyệt đối đã khiến cô trở thành một biểu tượng trên mạng xã hội.
Trên các nền tảng mạng xã hội như Xiaohongshu thường có các bài đăng nêu ra câu hỏi và vấn đề có thể nảy sinh trong các cuộc phỏng vấn xin việc. Ví dụ: "Nếu 6 người sếp cùng tham dự một cuộc họp nhưng bạn chỉ có 5 chai nước, bạn sẽ làm gì?" hoặc "Nếu bạn tặng sếp một hộp trà, làm sao để cho sếp biết đó là loại trà đắt tiền?".
Trong khi cư dân mạng thảo luận sôi nổi về những bài kiểm tra này, chuyên gia nhân sự Ma Caiying nói rằng những câu hỏi như vậy thường không xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn xin việc. Theo kinh nghiệm của cô, nhà tuyển dụng thường tập trung vào việc xác định sự hiểu biết và năng lực của một cá nhân đối với công việc đó. Cô Ma nói thêm, Gen Z ở Trung Quốc đang tìm kiếm một môi trường làm việc bình đẳng và cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Cô giải thích: "Nếu nhà tuyển dụng đề cập rằng công ty yêu cầu ứng viên phải có kỹ năng về 'trí tuệ cảm xúc' hoặc phải biết cách giao tiếp với lãnh đạo, bạn có thể hỏi lại để xem xét công ty có vấn đề trong công tác quản lý hoặc văn hóa doanh nghiệp hay không".
Là người thu hoạch được nhiều lợi ích từ các khóa học EQ, Jiang Lei nhận ra lý do tại sao những người trẻ tuổi có thể muốn học về các quy tắc xã hội. Tuy nhiên, anh gợi ý rằng mọi người không nên quá chìm đắm vào các bài kiểm tra EQ trực tuyến. Anh cho rằng thái độ lạc quan đối với môi trường làm việc là điều mang lại hiệu quả tốt nhất.
"Tôi tin rằng những người thực sự có năng lực có thể linh hoạt và giải quyết tốt mọi việc", Jiang Lei nói.