IS hình thành đầu tiên tại Iraq và Syria, được cho là sẵn sàng để mất những phần lãnh thổ mà tổ chức này từng chiếm đóng tại hai quốc gia từng được coi "căn cứ địa" chính, để bắt đầu chuyển đổi sang một vai trò bí mật hơn và gần gũi với bản chất của tổ chức này hơn.
Chuyên gia nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố Bruce Hoffman tại Đại học Georgetown (Mỹ) cho rằng IS đã sớm nhìn thấy sự thất bại của mình trên thực địa và vì thế đã có sự chuẩn bị cho thất bại này. Bằng chứng là hàng trăm tay súng IS đã tháo chạy khỏi Syria, trốn ra nước ngoài qua Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó không còn ai biết rõ về tung tích của chúng. Chuyên gia này nhận định sự thất bại mà thế giới nhìn thấy chỉ là bề nổi, thực chất IS đã chuẩn bị cho một "trò chơi dài kỳ".
Trong một nghiên cứu mới công bố dưới nhan đề "Sự trỗi dậy thứ hai của ISIS" (cách gọi khác của IS), hai tác giả Brandon Wallace và Jennifer Cafarella, chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho rằng tổ chức này đã điều chỉnh chiến lược để trở thành nhóm nổi dậy trong khu vực. IS đang tìm kiếm các nguồn lực kinh tế mới và tái cơ cấu lại cơ quan chỉ huy để điều phối các lực lượng còn sót lại, chuẩn bị cho một chiến dịch nổi dậy trên diện rộng tại cả Iraq và Syria.
Các chuyên gia cho rằng tổ chức này đã bắt đầu huy động nguồn tài chính tại nhiều nước ở Trung Đông, sử dụng vỏ bọc là các công ty môi giới xe hơi, cửa hàng đồ điện tử, nhà thuốc và trao đổi tiền tệ được thiết lập tại Iraq.
Chia sẻ quan điểm này, Seth Jones, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho rằng thế giới đang bước vào một thời kỳ vô cùng nguy hiểm khi IS chưa bao giờ thực sự bị đánh bại hay tan rã. Thay vào đó, tổ chức này chuyển sang hình thức hoạt động ngầm. Cũng giống như nhóm thánh chiến khác, lực lượng này áp dụng chiến lược phổ biến nhất khi gặp phải đối thủ được trang bị tốt hơn, với các năng lực không quân và hải quân hiện đại hơn. Đó là chia tách nhóm, lựa chọn nhiều địa bàn hoạt động, chuyển sang hoạt động ngầm, thực hiện các âm mưu ám sát, đánh bom ven đường và chờ thời cơ tấn công bất ngờ.
Theo dữ liệu của CSIS, tại một số tỉnh ở Iraq như Kirkuk (Ki-cúc), miền Đông Bắc, số các vụ tấn công nhỏ lẻ do IS thực hiện trong năm 2018 tăng gấp đôi so với năm 2017, trung bình 75 vụ/tháng. Tổ chức này thường xuyên tấn công, ám sát các tù trưởng, các quan chức chính phủ, cảnh sát hay thành viên các lực lượng quân sự.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi tháng trước, lãnh đạo người Kurd ở Iraq Massud Barzani cũng thừa nhận IS chưa hề bị đánh bại, tổ chức này không thể tan rã một cách dễ dàng. Ông Barzani cho rằng thay vì hoạt động công khai, giờ IS hoạt động ngầm. Trên thực tế, các tay súng IS đã trở lại nhiều khu vực mà chúng từng bị đánh bật để gây dựng lại lực lượng.
Một tay súng IS từng hoạt động tại Syria trả lời phỏng vấn tờ The New York Times qua WhatsApp còn cảnh báo về một chiến lược "mưa dần thấm lâu" và khẳng định IS sẽ quay lại khi liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu chấm dứt các cuộc không kích. Tên này khẳng định IS vẫn hiện diện tại Syria, thậm chí tại nơi mà nhiều người tưởng rằng lực lượng này đã bị đánh bật, với nhiều thành viên cực đoan sẵn sàng thực hiện các vụ đánh bom liều chết khi được yêu cầu.
Chuyên gia Bruce Hoffman cũng đồng ý với lập luận rằng Mỹ và Nga đang bị "sa lầy" trong chiến lược chiến tranh của IS và thừa nhận lực lượng này chiếm khoảng 1/4 trong số 1 triệu tay súng Hồi giáo đang hoạt động trên toàn thế giới, gấp 4 lần con số từng được ước tính năm 2001 - thời điểm mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda đẩy cả thế giới vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố sau loạt vụ tấn công đẫm máu nhằm vào Mỹ. Cho rằng IS có đặc tính tự tái tạo, tuyển mộ và tuyên truyền rất nhanh nhạy, chuyên gia Hoffman đã khiến không ít người phải giật mình khi đặt ra câu hỏi "Liệu ai đó đã từng nghĩ rằng 17 năm sau sự kiện ngày 11/9, thế giới vẫn chưa thể đẩy lui chủ nghĩa khủng bố?".