Đây là cảnh báo mới được giới chuyên gia đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ đang đối mặt với một làn sóng dịch bệnh mới ngay cả khi đã đạt mục tiêu tiêm vaccine phòng bệnh cho 70% dân số.
Các kết quả phân tích gene cho thấy hơn 1.000 ca bệnh nhiễm biến thể Lambda đã được phát hiện trên toàn nước Mỹ. Dù sự xuất hiện của biến thể Delta vẫn đang là lo ngại chính lúc này tại Mỹ, nhưng giới chức cũng không ngừng theo dõi diễn biến lây lan biến thể Lambda.
Phát biểu với CNN, Tiến sĩ Gregory Poland, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu vaccine thuộc Mayo Clonic, cho rằng giới chức y tế phải cảnh giác ngay khi xuất hiện một biến thể có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng. Các biến thể mới vẫn xuất hiện và câu hỏi đặt ra là liệu những biến đổi bên trong gene của virus có giúp chúng mạnh hơn và gây bất lợi cho con người hay không. Theo chuyên gia này, câu trả lời trong trường hợp biến thể Lambda là có.
Biến thể Lambda được phát hiện lần đầu tiên tại Peru vào tháng 12/2020 và khi đó được phân loại là lây lan chậm. Tuy nhiên, trong thời gian qua, biến thể này đã tăng tốc và gây ra khoảng 90% ca bệnh tại Peru. Hiện 29 quốc gia trên thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể này.
Tiến sĩ Adam Taylor, chuyên nghiên cứu về các chủng virus mới tại Viện Y tế Menzies ở Queensland thuộc Đại học Griffith (Australia), cho biết hiện nay nhiều cơ quan y tế đang theo dõi diễn biến lây lan của biến thể Lambda. Chia sẻ trên The Conversation, chuyên gia virus học hàng đầu Australia cho biết hiện ngày càng nhiều bằng chứng dịch tễ học được tích lũy để phục vụ việc đánh giá chính xác mức độ nguy hiểm của biến thể Lambda. Vì vậy, trong giai đoạn này, cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định những đột biến mà biến thể Lambda sở hữu có tác động ra sao tới đặc tính lây nhiễm của virus, mức độ tác động tới hiệu quả bảo vệ của vaccine và nguy cơ bệnh diễn biến nặng do mắc phải biến thể này.
Theo Tiến sĩ Taylor, các bằng chứng sơ bộ cho thấy Lambda có thể dễ tác động tới tế bào hơn và có khả năng phản kháng hệ miễn dịch của con người cao hơn một chút nhưng các loại vaccine vẫn phát huy hiệu quả với biến thể này. Bên cạnh đó, Lambda có một số đột biến có tác động tới các gai protein của virus SARS-CoV-2 qua đó giúp nó có đặc tính lây nhiễm mạnh hơn. Chuyên gia này cho rằng một điều chưa biết chính xác đó là liệu những đột biến này có giúp Lambda gây ra một đợt dịch khác đáng lo ngại hay không.
Các dữ liệu sơ bộ về gai protein ở Lambda chỉ ra rằng biến thể này có đặc tính lây nhiễm mạnh hơn, tức là sẽ tác động tới các tế bào dễ hơn so với thể virus gốc phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) và các biến thể Alpha( được phát hiện đầu tiên ở Anh), Gamma (được phát hiện đầu tiên ở Brazil). Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý cần phải hiểu rằng đặc tính lây nhiễm mạnh hơn không đồng nghĩa rằng nó sẽ dễ lây lan hơn. Hiện chưa có đủ bằng chứng thực tế rằng Lambda dễ lây lan hơn mà mọi dữ liệu mới chỉ dừng ở mức nghiên cứu sơ bộ về đột biến.
Hiện cũng còn quá sớm để xác định liệu biến thể Lambda có dẫn đến nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong cao hơn hay không. Tiến sĩ Preeti Malani, Đại học Michigan (Mỹ), chỉ ra các kết quả nghiên cứu tới này đều cho thấy những vaccine hiện hành có hiệu quả bảo vệ trước biến thể Lambda. Tuy nhiên, chuyên gia này khẳng định dựa trên diễn biến thực tế dịch bệnh luôn biến động khôn lường trong thời gian qua, việc kiểm soát dịch bệnh lây lan nói chung sẽ giúp kiềm chế các biến thể mới, trong đó có Lambda.
Theo Tiến sĩ Gregory Poland, sự xuất hiện và lây lan của biến thể Delta chính là cảnh báo sớm về tâm lý chủ quan, tự mãn sau khi tiêm vaccine và những nguy cơ từ việc chậm triển khai tiêm phòng. COVID-19 là bệnh lây từ người sang người và giống như các loại virus khác, cứ mỗi một ca lây nhiễm mới, virus SARS-CoV-2 lại biến đổi một chút. Có những đột biến lành tính nhưng cũng có đột biến dẫn tới sự ra đời những biến thể có khả năng lây lan cao hơn và nguy hiểm hơn. Vì vậy, việc để COVID-19 lây lan chẳng khác nào chơi trò cò quay trong khi việc tiêm phòng sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra những đột biến, qua đó giảm nguy cơ xuất hiện biến thể mới “nhờn” với kháng thể.
Theo chuyên gia này, sẽ ngày càng có nhiều biến thể và dần dần sẽ có một hoặc vài biến thể học được cách thuần phục hệ đề kháng có được sau tiêm phòng và nếu điều đó xảy ra, cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu lại trở về vạch xuất phát.
Ngay khi thế giới tưởng chừng đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến chống COVID-19 thì biến thể Delta xuất hiện, kéo mọi mơ tưởng về chiến thắng trong tầm tay trở về thực tại. Đến nay, khi các chuyên gia chuyển sự chú ý tới biến thể Lambda, nhiều người có thể lại tự hỏi sự biến đổi nhanh chóng như vậy có phải là điều bình thường? Giáo sư Sunil Lal, Đại học Monash, lý giải điều này là bình thường và đã được biết đến trong nghiên cứu virus học. Virus càng có cơ hội sao chép thì càng dễ biến đổi, trong đó có những đột biến lành tính và cả đột biến ác tính dẫn đến những hệ lụy dịch bệnh nghiêm trọng.
Theo chuyên gia Malani, chỉ khi nào dịch bệnh được kiểm soát một cách đáng kể, đà lây lan của virus bị kéo chậm lại rõ ràng thì khi đó mới là lúc virus ngừng biến đổi. Cách duy nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó là tiêm vaccine phòng bệnh trên diện rộng để kiểm soát tình trạng lây nhiễm, ngăn chặn virus tiếp tục biến đổi. Đó chính là cuộc chạy đua giữa một bên là các nỗ lực mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và một bên là sự phát triển của virus thành những biến thể mới “lỳ đòn” hơn trước các biện pháp ứng phó của loài người.