Giáo sư Thái Lan cảnh báo nguy cơ khủng hoảng khi số ca tử vong do COVID-19 tăng mạnh

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, giáo sư y khoa có uy tín của Thái Lan Prasit Watanapa cảnh báo Thái Lan này sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này liên tiếp ghi nhận số người tử vong do đại dịch ở mức cao kỷ lục trong 3 ngày qua.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại buổi thông báo tin tức hàng ngày của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 ngày 3/5, Giáo sư Prasit, người hiện là Chủ nhiệm Khoa y của Bệnh viện Siriraj ở Bangkok, cho rằng nếu số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng lên thì điều đó có nghĩa là Thái Lan đang tiến tới giai đoạn khủng hoảng thực sự. Bác sĩ Prasit hối thúc người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy định đeo khẩu trang, chấp hành tất cả các biện pháp được đưa ra để chặn đứng đợt bùng phát mới nhất và thực hiện tiêm chủng ngừa COVID-19.

CCSA ngày 3/5 ghi nhận thêm 31 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2, mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 ở Thái Lan và tăng gần 50% so với con số 21 ca tử vong ghi nhận các ngày 1/5 và 2/5. Các trường hợp tử vong trong vòng 24 giờ qua được ghi nhận tại 11/77 tỉnh của Thái Lan, trong đó thủ đô Bangkok và tỉnh Nonthaburi là hai địa phương có số lượng nhiều nhất, với mỗi nơi 10 trường hợp. Độ tuổi của những người không chống chọi được với dịch bệnh dao động từ 31 - 83, và tất cả đều được ghi nhận có các bệnh mãn tính như huyết áp cao, tiểu đường, béo phì và những biến chứng khác. Theo nữ phát ngôn viên của CCSA Apisamai Srirangson, hầu hết các trường hợp tử vong đều là những người tiếp xúc gần với những ca mắc bệnh trước đó, trong đó nhiều trường hợp là từ người thân trong gia đình.

Cũng trong ngày 3/5, Thái Lan ghi nhận số các ca mắc mới COVID-19 theo ngày trở lại mức trên ngưỡng 2.000 ca sau vài ngày giảm. Với 2.041 ca mắc mới trong ngày 3/5, tổng số các ca COVID-19 từ trước tới nay ở Thái Lan đã lên tới 71.025 ca, trong đó có 276 ca tử vong. Sự hoành hành của biến thể B.1.1.7, có khả năng lây lan nhanh được phát hiện đầu tiên ở Anh, đã khiến số ca mắc và tử vong tăng đột biến trong làn sóng gây nhiễm lần này tại Thái Lan, tương đương 50% tổng số ca kể từ khi bùng phát dịch.

Hầu hết các ca nhiễm mới trong tháng 4 vừa qua tập trung ở Bangkok và 3 tỉnh lân cận là Samut Prakan, Nonthaburi, Pathum Thani. Nữ phát ngôn Apisamai cho biết xu hướng lây nhiễm mới ở các tỉnh khác đang giảm, nhưng ở Bangkok và các vùng phụ cận lại tăng lên. Mối quan tâm chính là ở Bangkok, đặc biệt là 3 cộng đồng ở quận Klong Toey – nơi đang là tâm điểm của một ổ dịch mới. 

Chính phủ Thái Lan hiện đang hối thúc các gia đình làm mọi điều có thể để bảo vệ các thành viên lớn tuổi khỏi nguy cơ lây nhiễm trong khi những người khác buộc phải làm việc và đi lại ở những khu vực có dịch COVID-19.

Ngọc Quang (TTXVN)
ASEAN+3 kỳ vọng kinh tế phục hồi nhanh nhờ vaccine ngừa COVID-19
ASEAN+3 kỳ vọng kinh tế phục hồi nhanh nhờ vaccine ngừa COVID-19

Các nền kinh tế châu Á, vốn chịu tác động mạnh do đại dịch COVID-19, dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay nhờ việc triển khai tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19, song khu vực sẽ đối mặt với những rủi ro do chênh lệch về tốc độ tiêm chủng giữa các nước và sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN