Ngày 19/5, ông Dominique Strauss-Kahn đã tuyên bố từ chức Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng thời khẳng định mình vô tội trước những cáo buộc cưỡng bức tình dục. Trong bức thư gửi Hội đồng quản trị IMF, ông Strauss-Kahn viết: “Thật buồn là ngày hôm nay tôi phải gửi tới Ban điều hành IMF đơn xin từ chức. Tôi muốn nói rằng, tôi bác bỏ với thái độ cứng rắn nhất mọi cáo buộc chống lại tôi. Tôi muốn bảo vệ định chế mà tôi đã vinh dự được phục vụ và đã tận tâm cống hiến”. Ông Strauss-Kahn tuyên bố muốn dành tất cả sức lực và thời gian để chứng minh mình vô tội.
Sự kiện người đứng đầu IMF từ chức, theo nhận định của giới phân tích, sẽ mở ra “một cuộc chiến gay cấn” giành chiếc ghế lãnh đạo định chế tài chính hàng đầu thế giới này, giữa một bên là các nước đang phát triển và một bên là các nước phương Tây.
Một số ứng cử viên cho vị trí giám đốc IMF: (hàng trên, từ trái qua) Montek Singh Ahluwlia, Kemal Dervis, Christine Lagarde, Axel Weber, (hàng dưới, từ trái qua) Stanley Fischer, Tharman Shanmugaratnam, Agustin Carstens, Trevor Manuel. Ảnh: AFP- TTXVN |
Hãng AFP (Pháp) cho biết, vài tiếng sau khi tuyên bố từ chức, ông Strauss-Kahn đã được đưa đến Tòa thượng thẩm để tham dự phiên tòa dự kiến diễn ra vào 1 giờ 15 ngày 20/5 (giờ VN). Theo các luật sư biện hộ của ông Strauss-Kahn, sau phiên tòa này, ông có thể được tại ngoại nhờ nộp 1 triệu USD tiền bảo lãnh, giao nộp các giấy tờ liên quan đến việc đi lại và thực hiện biện pháp giám sát điện tử 24/24h. |
Trong danh sách các ứng cử viên tiềm năng cho vị trí giám đốc điều hành IMF được hãng AFP công bố ngày 19/5, về phía các nền kinh tế đang phát triển có các đại diện: Cựu Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Dervis, Bộ trưởng Tài chính Xinhgapo Tharman Shanmugaratnam, cựu quan chức Ngân hàng Thế giới (WB) đồng thời là một quan chức cấp cao của IMF Montek Singh Ahluwalia (người Ấn Độ), Thống đốc ngân hàng trung ương và là cựu Bộ trưởng Tài chính Mêhicô Agustin Carstens, cựu Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Trevor Manuel. Trong khi đó, đại diện cho phương Tây có Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, cựu Giám đốc Ngân hàng trung ương Đức Axel Weber, Thống đốc Ngân hàng trung ương Ixraen Stanley Fischer và Quyền Giám đốc điều hành IMF John Lipsky.
Giới quan sát cho rằng, vụ bê bối của ông Strauss-Kahn sẽ làm thay đổi cấu trúc lãnh đạo và quản lý của IMF; đặc biệt có thể giúp các quốc gia mới nổi, nhất là ở châu Á, giành được vai trò lãnh đạo IMF. Thông thường, quy trình lựa chọn người đứng đầu IMF mang tính không chính thức và theo thông lệ, vị trí này thường dành cho một công dân châu Âu. Tuy nhiên, quy trình đó đang chịu sức ép từ các nền kinh tế mới nổi, vốn rất muốn có tiếng nói lớn hơn trong việc đề cử và bổ nhiệm lãnh đạo IMF. Thực tế, những năm qua, châu Âu và Mỹ phải nhờ đến sự giúp đỡ cũng như đóng góp tài chính của các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc, Braxin và Nga.
Các nền kinh tế mới nổi ngày 19/5 cũng đã lên tiếng về việc chỉ định người thay thế ông Strauss-Kahn điều hành IMF. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nhấn mạnh, việc lựa chọn người lãnh đạo IMF phải được dựa trên các tiêu chí về “phẩm chất, tính minh bạch và công bằng”. Theo bà Khương Du, IMF “cần tiếp tục cải cách về cấu trúc, quản lý” và những quốc gia đang phát triển “cần có đại diện ở các cấp cao” trong tổ chức này. Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Pravin Gordhan kêu gọi trao cơ hội điều hành IMF cho “một ứng cử viên đại diện cho các quốc gia đang phát triển”. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Braxin Guido Mantega khẳng định, “kỷ nguyên” một công dân châu Âu ngồi vào ghế lãnh đạo IMF đã qua. Mêhicô cũng cho rằng tiến trình lựa chọn giám đốc điều hành IMF cần phải “công khai, minh bạch, dựa trên phẩm chất của các ứng cử viên và không phụ thuộc vào tiêu chí quốc gia”.
“Cách tiếp cận của IMF trong việc lựa chọn người nắm quyền điều hành đã lỗi thời, cần phải được thay đổi và giờ là thời điểm để làm việc đó”, Giám đốc điều hành tập đoàn đầu tư Pimco, ông Mohammed El-Erian, nhận định.
Hồng Hạnh