Giả thiết về lý do tàu lặn Titan phát nổ tức thì, người bên trong không kịp phản ứng

Một nhà báo có nhiều năm kinh nghiệm tìm hiểu về thám hiểm đại dương miêu tả một vụ nổ sâu dưới biển xảy ra nhanh hơn tốc độ xử lý của não bộ.

Chú thích ảnh
Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của Công ty tư nhân Ocean Gate, công ty chuyên vận hành và cung cấp dịch vụ thám hiểm đại dương. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố ngày 22/6, Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) nhận định cả 5 nạn nhân trên tàu lặn Titan bị mất tích trước đó 4 hôm đều đã thiệt mạng sau một sự cố dường như là “một vụ nổ khủng khiếp”.

Theo USGS, thiết bị tìm kiếm Horizon Arctic đã phát hiện ra một mảnh vỡ của tàu lặn Titan cách mũi tàu Titanic khoảng 500m. Những mảnh vỡ được phát hiện ở dưới đáy đại dương cho thấy tàu lặn Titan bị mất tích ở khu vực gần xác tàu Titanic đã phải hứng chịu áp lực “thảm khốc”.

Theo ông Josh Dean, nhà báo đã có nhiều năm kinh nghiệm tìm hiểu và viết về thám hiểm biển sâu, hành khách trên tàu lặn Titan thậm chí còn không có thời gian để biết rằng có một vụ nổ đang diễn ra. “Đó là một điều vô cùng bi thảm. Sự cố này thường được mô tả là xảy ra nhanh hơn tốc độ xử lý của não”, nhà báo Dean trả lời phỏng vấn tạp chí People.

Trả lời phỏng vấn báo Anh Dailymail, Tiến sĩ Dale Molé, cựu Giám đốc y tế về sức khỏe bức xạ của Hải quân Mỹ, nhận định khi tai nạn xảy ra, cái chết xảy đến với những người trên tàu sẽ diễn ra đột ngột và không đau đớn. Ông Mole cho rằng các nguyên nhân dẫn tới một vụ nổ tàu có thể là do rò rỉ, mất điện hoặc hỏa hoạn do chập điện.

Cũng theo một bài đăng trên blog được chia sẻ trên The Conversation khi chiến dịch tìm kiếm vẫn đang diễn ra, ông Stefan B. Williams, Giáo sư về robot hàng hải tại Đại học Sydney (Australia), cho biết một vụ nổ có thể xảy ra do thiết bị điều chỉnh áp suất của tàu Titan bị hỏng. Giáo sư Williams chỉ ra sự cố của hệ thống áp suất sẽ gây ra hậu quả “giống như một quả bom nhỏ phát nổ”.

“Mặc dù thân tàu Titan làm bằng vật liệu composite được chế tạo để chịu được áp suất cực lớn dưới biển sâu, nhưng bất kỳ khiếm khuyết nào về hình dạng hoặc kết cấu đều có thể ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của thân tàu, và trong trường hợp xấu nhất nó có nguy cơ nổ tung”, Giáo sư Williams lý giải.

Mức áp suất ở vị trí phát hiện tàu lặn Titan là khoảng 400 atm, gấp 400 lần áp suất mà cơ thể con người quen khi ở trên mặt biển.

Tiến sĩ Nicolai Roterman, một nhà sinh thái học biển sâu tại Đại học Portsmouth, cho rằng nếu một tai nạn về áp suất xảy ra, sức ép dưới nước sẽ khiến những người ở trong tàu tử vong ngay lập tức.

“Nếu có bất kỳ lỗ thủng nào trên tàu, những người ở đó sẽ không thể chịu nổi áp suất đại dương ở độ sâu 3.800m”, Tiến sĩ Roterman chỉ ra.

Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của Ocean Gate - công ty tư nhân chuyên vận hành và cung cấp dịch vụ thám hiểm đại dương - đã mất hoàn toàn liên lạc sau gần 2 giờ chở theo 5 người lặn xuống đáy đại dương để tham quan xác tàu Titanic hôm 18/6.

Bảo Hà/Báo Tin tức (tổng hợp)
Hệ thống âm thanh bí mật của Mỹ phát hiện vụ nổ cùng ngày tàu lặn Titan mất tích
Hệ thống âm thanh bí mật của Mỹ phát hiện vụ nổ cùng ngày tàu lặn Titan mất tích

Báo cáo mới tiết lộ rằng hệ thống phát hiện âm thanh bí mật của Hải quân Mỹ đã ghi nhận vụ nổ chỉ vài giờ sau khi tàu lặn Titan được đưa xuống biển bắt đầu hành trình thám hiểm xác tàu Titanic.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN