Theo kết quả kiểm phiếu chính thức được Ủy ban Bầu cử Trung ương Ai Cập (SEC) công bố vào cuối giờ chiều ngày 18/1, tỷ lệ ủng hộ đối với bản hiến pháp mới trong cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày 14-15/1 vừa qua lên tới gần 20 triệu người, chiếm tỷ lệ 98,1%.
Cử tri Ai Cập bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới tại Cairo. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trong cuộc họp báo quốc tế, người đứng đầu SEC, ông Nabil Salib, cho biết hơn 20,6 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu trong tổng số hơn 53,4 triệu người đăng ký tham gia, đạt tỷ lệ trên 38,6%, cao hơn mức 32% trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp do phe Hồi giáo chủ trì soạn thảo được tổ chức hồi tháng 12/2012. Tổng cộng có gần 247.000 phiếu không hợp lệ trong khi số phiếu không ủng hộ là hơn 381.000, chiếm 1,9%.
Cũng theo ông Salib, có hơn 107.000 kiều dân Ai Cập trong tổng số hơn 681.000 người đăng ký đã đi bỏ phiếu, đạt tỷ lệ 15,7%. Trong đó, tỷ lệ ủng hộ bản hiến pháp mới của các kiều dân lên tới 98,1%. Chỉ 2.077 cử tri Ai Cập sinh sống ở nước ngoài, chiếm 1,9%, đã bỏ phiếu chống lại hiến pháp mới. Trong cuộc bỏ phiếu lần trước, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở nước ngoài đạt khoảng 40% song tỷ lệ ủng hộ chỉ ở mức hơn 63%.
Theo Cố vấn Tổng thống phụ trách các vấn đề về hiến pháp, ông Ali Saleh, hiến pháp mới có hiệu lực ngay lập tức ngay sau khi kết quả kiểm phiếu chính thức được công bố với tuyệt đại đa số cử tri Ai Cập bỏ phiếu ủng hộ văn kiện này. Tuy nhiên, ông Seleh cũng cho biết sau khi tuyên bố hiến pháp ngày 8/7 bị hủy bỏ và hiến pháp mới được đưa vào thi hành, hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể đối với hai bước tiếp theo của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau chính biến ngày 3/7 vừa qua lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo.
Điều 230 của hiến pháp mới hiện vẫn được bỏ ngỏ và trình tự tổ chức hai cuộc bầu cử này thuộc quyền quyết định của Tổng thống lâm thời Adly Mansour. Dự kiến, hai cuộc bầu cử này sẽ phải được tổ chức trong vòng 6 tháng sau khi hiến pháp mới được thông qua.
Bản hiến pháp năm 2012 đã bị quân đội ra lệnh đình chỉ trong chính biến ngày 3/7 vừa qua. Tiếp đó, ngày 8/7, Tổng thống lâm thời Adly Mansour đã ra sắc lệnh giải tán Hội đồng Shura (Thượng viện Ai Cập), cơ quan nắm quyền lập pháp trong suốt một năm nắm quyền của cựu Tổng thống Mohamed Morsi sau khi Quốc hội bị Tòa án ra lệnh giải tán do "vi hiến". Trong khi chờ đợi Quốc hội mới được bầu ra và Chính phủ mới được thành lập, hiện tất cả các quyền lập pháp và hành pháp đều nằm trong tay chính quyền lâm thời.
TTXVN/Tin Tức