EU ủng hộ dự thảo ngân sách 'thắt lưng buộc bụng' của Pháp

Ngày 26/11, Liên minh châu Âu (EU) đã ủng hộ dự thảo ngân sách “thắt lưng buộc bụng” của Pháp cho năm 2025, trong bối cảnh nước này đang lâm vào bế tắc chính trị có khả năng khiến chính phủ sụp đổ.

Chú thích ảnh
Cờ của Liên minh châu Âu (EU). Ảnh minh họa: IRNA/TTXVN

Theo báo cáo đánh giá thường kỳ về kế hoạch ngân sách của các quốc gia thành viên, Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá việc cam kết giảm thâm hụt ngân sách từ 6,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024 xuống còn 5% vào năm 2025, trước khi quay lại mức 2,8% vào năm 2029, cho thấy lộ trình tài chính đáng tin cậy của Pháp. Ngân sách năm 2025 của Pháp cũng được cho là phù hợp với các khuyến nghị của EU.

Sự ủng hộ của EU sẽ là động lực đối với Thủ tướng Pháp Michel Barnier để đưa kế hoạch kinh tế của mình vượt qua sự phản đối từ các đảng phái chính trị khác.

Tháng 7 vừa qua, EU đã cảnh báo Pháp vi phạm mức thâm hụt ngân sách 3% mà các thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phải tuân thủ, đồng thời đưa nước này vào nhóm các quốc gia cần xem xét thủ tục thâm hụt quá mức, gồm Bỉ, Hungary, Italy, Malta, Ba Lan, Romania và Slovakia.

Ngày 26/11, EC cũng đã cảnh báo Áo - nước có mức thâm hụt dự kiến 3,6% trong năm 2024, có thể bị liệt vào danh sách này.

Sau các cuộc đàm phán với EU, Chính phủ Pháp đã đưa ra dự thảo ngân sách “thắt lưng buộc bụng” với các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thuế trị giá 60 tỷ euro (63 tỷ USD). Động thái này vấp phải sự chỉ trích từ thủ lĩnh phe cực hữu, bà Marine Le Pen, người từng đe dọa sẽ xúc tiến một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu kế hoạch trên của chính phủ được thông qua.

Thủ tục thâm hụt quá mức là quy trình do EU áp dụng nhằm đảm bảo các quốc gia thành viên tuân thủ những quy tắc về kỷ luật tài chính. Quy trình này được kích hoạt khi một quốc gia có thâm hụt ngân sách vượt quá 3% GDP hoặc có tỷ lệ nợ trên GDP cao hơn 60%. Các nước thuộc diện này sẽ có thời gian điều chỉnh chính sách tài chính để tránh các biện pháp trừng phạt. Trong trường hợp các quốc gia không đạt được mục tiêu giảm thâm hụt hoặc các cam kết giảm không đủ, khoản phạt 0,05% GDP quốc gia có thể được áp dụng 6 tháng một lần, với tổng số tiền phạt cuối cùng có thể lên tới 0,1% GDP mỗi năm (thay vì khoản ký quỹ không tính lãi lên tới 0,5% GDP theo quy định trước đây).

Vũ Hiệp (TTXVN)
Chính phủ Pháp công bố dự thảo ngân sách 'thắt lưng buộc bụng' năm 2025
Chính phủ Pháp công bố dự thảo ngân sách 'thắt lưng buộc bụng' năm 2025

Thủ tướng Pháp Michel Barnier ngày 10/10 đã công bố dự thảo ngân sách năm 2025, trong đó dự định cắt giảm chi tiêu và tăng thuế với tổng trị giá 60 tỷ euro (65,68 tỷ USD), để đối phó với thâm hụt ngân sách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN