Theo tài liệu của EU, Quần đảo Cayman (một lãnh thổ hải ngoại của Anh ở Caribbean) đã được thêm vào “danh sách đen” vì các quỹ đầu tư ở đó không có hoạt động kinh tế thực sự trên quần đảo. Điều đó có thể dẫn đến việc các công ty tạo ra những công cụ đầu tư tại đây chỉ để giảm thuế ở các khu vực khác.
Lí do để EU đưa quần đảo Seychelles vào “danh sách đen” là do "chế độ ưu đãi thuế có hại" tại đây. Còn với Panama, những thiếu sót trong việc trao đổi thông tin thuế đã khiến EU đưa họ vào danh sách “thiên đường thuế”. Lí do tương tự được đưa ra cho đảo quốc Palau ở Thái Bình Dương.
Việc thêm các “trung tâm tài chính” như Quần đảo Cayman và Panama đánh dấu một sự thay đổi trong cách tiếp cận của EU. Trước đó, một số nhà quan sát đã lên tiếng chỉ trích rằng sau những lần đánh giá, danh sách chủ yếu chỉ còn các quốc đảo ở Thái Bình Dương và khu vực Caribbean vốn gần như không có mối quan hệ tài chính nào với EU. Họ cho rằng EU đã “quá khoan dung” đối với các thiên đường thuế khác.
Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, tài liệu của EU cho biết nước này đã không thực hiện việc tự động chuyển giao thông tin thuế với tất cả các quốc gia EU. Song Thổ Nhĩ Kỳ được phép có thêm một năm nữa để thực hiện các cam kết của mình, bởi nước này đã thông qua những cải cách lập pháp cho phép việc chia sẻ dữ liệu.
Danh sách “thiên đường thuế” của EU được thiết lập vào năm 2017 sau những điều tra tiết lộ về các kế hoạch trốn thuế trên diện rộng của nhiều công ty. Ngoài ba cái tên mới được thêm vào, danh sách hiện bao gồm Fiji, Oman, Samoa, Trinidad & Tobago, Vanuatu và ba vùng lãnh thổ thuộc Mỹ gồm Samoa thuộc Mỹ, đảo Guam và Quần đảo Virgin thuộc Mỹ.
Những cái tên trong danh sách đen sẽ phải đối mặt với danh tiếng xấu, các giao dịch tài chính bị thắt chặt giám sát và có nguy cơ mất nguồn hỗ trợ từ EU.