Đây là nội dung nghị sự của hội nghị không chính thức các bộ trưởng môi trường và khí hậu EU diễn ra trong hai ngày 15-16/1 ở Brussels, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Bỉ - quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Bỉ Alain Maron cho biết, sau khi xem xét bản sơ bộ của Đánh giá Rủi ro Khí hậu châu Âu (EUCRA) sẽ được Cơ quan Môi trường châu Âu công bố vào tháng 4 tới, các bộ trưởng đã chia sẻ quan điểm về cách thức EU cần chuẩn bị để ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng trên khắp châu lục này. Đây là một bước quan trọng hướng tới việc hài hòa các quan điểm của các quốc gia thành viên về những ưu tiên cho chính sách tiếp theo của EU trong nhiệm kỳ mới, nhằm tăng cường khả năng phục hồi và chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
Phát biểu với báo giới ngày 16/1, Ủy viên châu Âu về khí hậu, môi trường Virginijus Sinkevičius cho biết, trong tháng Hai, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra đánh giá tác động chi tiết về mục tiêu khí hậu đến năm 2040 và một đánh giá tổng thể sẽ được công bố 6 tháng sau đó, theo Luật khí hậu châu Âu kèm với một báo cáo về cân bằng phát thải nhà kính cho EU giai đoạn 2030-2050. Mục đích là duy trì tham vọng cao, trong bối cảnh chuyển đổi công bằng và đồng thời duy trì sự gắn kết xã hội.
Hội đồng tư vấn khoa học về khí hậu của EU đã đề xuất Brussels giảm 90% lượng khí thải so với mức của năm 1990 vào năm 2040, nhờ tính khả thi về công nghệ, các giới hạn và rủi ro môi trường cũng như hợp tác quốc tế. Ủy viên châu Âu về hành động khí hậu Wopke Hoekstra và Phó Chủ tịch EC về Thỏa thuận Xanh Maros Sefcovic đã nhiều lần khẳng định ủng hộ mục tiêu 90%.
Theo Bộ trưởng Alain Maron, dù các cuộc thảo luận vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng hiện không có sự phản đối về mục tiêu tham vọng này. Tuy nhiên, ông đang "lo ngại về nguồn vốn" cần thiết để đạt được mục tiêu đó.
Về bản chất, Luật Khí hậu châu Âu, được thông qua tại Brussels vào năm 2021, cam kết EU sẽ thiết lập mục tiêu giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Năm 2040 là mục tiêu trung gian thứ hai trước khi đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Ủy viên Sinkevičius cho biết, đến tháng Ba, EC sẽ đề xuất một biện pháp ứng phó với những rủi ro phát sinh từ biến đổi khí hậu và một vấn đề khác về khả năng phục hồi của nước. Đối với mục tiêu đầu tiên, EC mong muốn "bảo vệ tốt hơn công dân và nền kinh tế của chúng ta khỏi hậu quả của biến đổi khí hậu".
Về khả năng phục hồi của nước, sáng kiến này đã được Chủ tịch EC Ursula von der Leyen công bố vào tháng 9/2021 trong Thông điệp Liên minh trong đó nhấn mạnh đảm bảo khả năng tiếp cận nước cho người dân, thiên nhiên và nền kinh tế, đồng thời phòng chống lũ lụt thảm khốc và tình trạng thiếu nước ở châu Âu. Theo ông Sinkevičius, EC sẽ nỗ lực tập trung vào việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước.
Cũng trong hai ngày nhóm họp, các bộ trưởng EU đã thảo luận về tương lai của nền kinh tế tuần hoàn, trọng tâm của các chính sách châu Âu sau năm 2024. Dựa trên Báo cáo triển vọng nguồn lực toàn cầu và Báo cáo tình trạng và triển vọng về kinh tế tuần hoàn, các bộ trưởng đã xem xét cách thức nền kinh tế tuần hoàn có thể góp phần vào ứng phó với biến đổi khí hậu, tính trung lập, phục hồi đa dạng sinh học và không gây ô nhiễm. Các bộ trưởng cũng thảo luận về khuôn khổ quản trị của EU có thể đẩy nhanh và tăng cường quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên.
Theo kế hoạch, hai hội nghị Bộ trưởng Môi trường EU tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 25/3 tại Brussels và ngày 17/6 tại Luxembourg.