Vòng trừng phạt thứ 3 này nhằm vào 27 quan chức, 2 doanh nhân và 7 công ty bị xem là ủng hộ Tổng thống Lukashenko. Trước đó, ông Lukashenko, con trai ông và hơn 50 quan chức Belarus cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt với các biện pháp gồm phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh EU.
Xuất hiện trong danh sách này có cả Tổng công tố, Bộ trưởng Thông tin, Phó Thủ tướng và người đứng đầu truyền hình nhà nước Belarus. Ngoài cá nhân, các biện pháp trừng phạt còn nhằm vào 7 doanh nghiệp - 3 công ty tư nhân và 4 công ty nhà nước - mà EU cho rằng đang ủng hộ chính quyền của ông Lukashenko. Trong số này có doanh nghiệp xuất khẩu vũ khí Beltechexport, tập đoàn bất động sản Dana Holdings, công ty công nghệ giám sát Synesis và các chi nhánh của cơ quan quốc phòng nhà nước.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell hồi tháng trước cho hay các lệnh trừng phạt mới nhằm "tác động đến hoạt động kinh tế bình thường" của Belarus.
Tình hình Belarus bất ổn kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8, với kết quả Tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovkskaya chỉ được 10,12%. Nữ chính khách này đã không công nhận kết quả bầu cử. Sau đó, nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ diễn ra tại nhiều thành phố đã biến thành xô xát với cảnh sát. Ngày 31/8, Tổng thống Lukashenko đã thảo luận kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp, tập trung vào việc cải cách hệ thống tòa án và bác bỏ những lời kêu gọi của phe đối lập quay trở lại hiến pháp năm 1994.
Ngày 23/9 vừa qua, Tổng thống Lukashenko đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, EU từ chối công nhận ông Lukashenko là tổng thống hợp pháp của Belarus. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định Belarus đang trong tình cảnh khó khăn và đối mặt với sức ép chưa từng có từ bên ngoài.
Tổng thống Lukashenko đã từng nhận định rằng kịch bản "cách mạng màu" có sự can thiệp của yếu tố bên ngoài đang được sử dụng để chống lại đất nước Belarus, đồng thời cũng lên án việc phương Tây ủng hộ phe đối lập Belarus trên phương diện quân sự, với bằng chứng là việc điều động quân đội các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến biên giới Belarus. Tổng thống Lukashenko coi sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với phe đối lập là can thiệp trực tiếp vào tình hình ở Belarus.