Trong lá thư gửi tới các bộ trưởng y tế các nước thành viên, Đại diện cấp cao về y tế của EU Stella Kyriakides lưu ý rằng khu vực này đã là tâm dịch khi ghi nhận phần lớn số ca phát hiện mắc bệnh và kêu gọi các nước thành viên phối hợp để kiểm soát đợt bùng phát này.
Bà Kyriakides cũng đề nghị các bộ trưởng y tế chỉ đạo tăng cường giám sát và phát hiện sớm các ca bệnh, những người có tiếp xúc gần và yêu cầu cách ly, tiêm phòng để sớm dập tắt nguy cơ trong cộng đồng.
Bà Kyriakides nhấn mạnh các nước thành viên nên cung cấp dữ liệu về số ca mắc lên Hệ thống giám sát châu Âu, cập nhận thông tin ngay khi có dữ liệu hoàn thiện, xây dựng các hướng dẫn rõ ràng về truy vết tiếp xúc và cách ly phù hợp với khuyến nghị từ Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC).
Bà Kyriakides cho biết EU đã mua khoảng 160.000 liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ từ công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch và kêu gọi các nước thành viên chưa ký hợp đồng đặt mua nhanh chóng tham gia ký kết để đảm bảo được bàn giao vaccine.
Theo bà, các nước nên tăng cường các nỗ lực tuyên truyền nâng cao nhận thức về dịch bệnh nhưng không gây hoang mang, đặc tránh các hành động dẫn đến tâm lý kỳ thị nhóm nam giới đồng tính hiện đang là nhóm ghi nhận phần lớn số ca mắc. Bà tin tưởng EU có đủ các công cụ để ứng phó với mối đe dọa từ bệnh đậu mùa khỉ.
Cũng trong ngày 27/7, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã bắt đầu củng cố cơ chế ứng phó với tình trạng gia tăng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trong khu vực. Theo đó, Lực lượng phản ứng khẩn cấp thuộc EMA sẽ kiêm nhiệm ứng phó COVID-19 và đậu mùa khỉ. Lực lượng phản ứng khẩn cấp là cơ quan cố vấn có nhiệm vụ điều phối các hoạt động quản lý trong một tình huống khẩn cấp về y tế cộng đồng. Lực lượng này sẽ đưa ra những tư vấn dựa trên cơ sở khoa học, đánh giá những dữ liệu khoa học sẵn có và tổng hợp các nghiên cứu theo dõi về các biện pháp can thiệp như vaccine hay công nghệ kháng virus đang được dùng trong phòng và điều trị bệnh đậu mùa khỉ.
Bệnh đậu mùa khỉ thường có những biểu hiện nhẹ như sốt, đau nhức và các nốt mẩn đỏ mưng mủ trên da. Người bệnh thường hồi phục sau khoảng 2 - 4 tuần. Bệnh lần đầu được phát hiện trên khỉ và có thể nhanh chóng lây truyền thông qua tiếp xúc gần. Bệnh từng được coi là bệnh lưu hành tại một số nước châu Phi. Đợt bùng phát lần này bắt đầu hồi tháng 5 với các ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại châu Âu. Đến nay, bệnh đã lan ra khoảng 75 nước với trên 16.000 ca được ghi nhận, trong đó có 5 ca tử vong ở châu Phi.
Theo chuyên gia nghiên cứu virus đậu mùa Carlos Maluquer de Motes, từ Đại học Surrey, hiện rất khó để dự đoán về đợt bùng phát lần này. Do số ca mắc mới chưa có xu hướng giảm kể từ khi đợt bùng phát bắt đầu xảy ra vào tháng 5 nên có thể hiểu rằng các biện pháp y tế cộng đồng được áp dụng cho đến nay có ít tác dụng và hầu như không có khả năng đợt bùng phát này có thể biến mất một cách tự nhiên.