Miễn thị thực vào EU là một yêu cầu quan trọng của Ankara để đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ nhận lại những người di cư đến Hy Lạp. |
Cơ chế nói trên sẽ cho phép các quốc gia thành viên EU ngừng chương trình miễn thị thực đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ nếu có một lượng lớn người di cư Thổ Nhĩ Kỳ cư trú trái phép trong EU hoặc nếu có lượng lớn đơn xin tị nạn của người Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Nội vụ Hà Lan Klaas Dijkhoff đã bày tỏ hài lòng về quyết định nói trên của EU, cho rằng cơ chế mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp EU xử lý tình trạng lạm dụng các điều khoản trong thoả thuận di cư. Theo ông Dijkhoff, nếu được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn, cơ chế mới không chỉ cho phép ngừng chế độ miễn thị thực đối với "các công dân quốc gia thứ 3" như Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn đối với các quốc gia khác hưởng lợi từ các thỏa thuận tương tự với EU.
Miễn thị thực vào EU là một yêu cầu quan trọng của Ankara để đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ nhận lại những người di cư đến Hy Lạp theo thoả thuận di cư EU-Thổ Nhĩ Kỳ được ký hồi tháng 3 vừa qua, nhằm hạn chế dòng người di cư kỷ lục ồ ạt kéo tới châu Âu. Tuy nhiên, việc Ankara từ chối thực thi những cải cách theo yêu cầu của EU đã khiến việc dỡ bỏ thị thực chưa thể thực hiện, đe doạ phá hỏng thoả thuận giữa hai bên về giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Ngoài ra, EU cũng lo ngại rằng việc xóa bỏ thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ tấn công khủng bố vào "lục địa già" do những kẻ khủng bố hay tội phạm sẽ lợi dụng cơ chế đi lại tự do để có được hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ. EC cũng quan ngại rằng tội phạm hoạt động trong những mạng lưới buôn lậu vũ khí, ma túy hay buôn người tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng mở rộng hoạt động ở châu Âu.