Đây là nhận định được ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra ngày 24/3 trước Nghị viện châu Âu (EP). Kịch bản này cũng là điểm nằm trong trong bản dự thảo kế hoạch hành động của EU về bảo đảm khí đốt, được soạn thảo sau khi Nga mở chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.
Phát biểu tại phiên họp của EP, ông Dombrovskis vạch ra kế hoạch của EC nhằm giảm 2/3 nhu cầu khí đốt từ Nga vào cuối năm nay, tiến tới không nhập khí đốt của Nga vào năm 2030, thay vào đó là nguồn năng lượng bền vững, an toàn, giá cả hợp lý. EC đang nỗ lực hết mức nhằm đẩy nhanh tiến trình giảm phụ thuộc tiến tới cắt bỏ năng lượng hóa thạch của Nga – ông Dombrovskis bày tỏ quan điểm.
Khác với Mỹ, châu Âu chưa thể từ bỏ khí đốt Nga ở thời điểm hiện tại. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều nước EU không muốn áp đặt trừng phạt, cấm vận đối với xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt của Nga. Theo tính toán của hãng tư vấn Wood Mackenzie, nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt tại thời điểm này, châu Âu vẫn có đủ khí đốt tiêu dùng hết mùa đông năm nay, kéo tới mùa hè.
Wood Mackenzie nhận định dự trữ khí đốt của châu Âu cũng sẽ sớm đạt ngưỡng trung bình của 5 năm gần đây vào cuối mùa đông này, khi thời tiết không quá lạnh, nguồn cung từ Na Uy được duy trì và châu Âu tiếp nhận ngày một nhiều các tàu chở khí hóa lỏng (LNG). Nhưng những căng thẳng sẽ xuất hiện trong mùa đông 2022-2023 nếu thiếu khí đốt do Nga cung cấp.