Cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU diễn ra ở Luxembourg ngày 19/6 đã kết thúc mà không đạt được sự nhất trí chung về chương trình cải cách nói trên nhằm tránh để xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng như năm ngoái khi người dân phải gánh chịu hóa đơn năng lượng đắt đỏ do giá khí đốt tăng cao kỷ lục. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận liên quan đến vấn đề này đã trở nên phức tạp sau khi Thụy Điển, nước đóng vai trò chủ tịch luân phiên EU trong tháng 6 này, đưa ra một đề xuất muộn màng, cho phép các nước thành viên kéo dài cơ chế trợ cấp cho các nhà máy nhiệt điện than. Nói cách khác, các nước sẽ tiếp tục nhận được trợ cấp để duy trì đủ năng lượng sản xuất điện dự trữ nhằm tránh xảy ra tình trạng mất điện.
Khi được hỏi về đề xuất của nước mình, Bộ trưởng Năng lượng Thụy Điển Ebba Busch nói rằng việc đảm bảo cho Ba Lan, nước láng giềng của Ukraine, có thể duy trì sản lượng điện ổn định có thể giúp cung cấp điện dư thừa cho Kiev. Mặc dù vậy, nữ bộ trưởng này cho rằng các nước EU vẫn có thể đạt được một thỏa thuận về chương trình cải cách điện của khối vào cuối tháng 6 này - thời điểm Thụy Điển kết thúc vai trò chủ tịch luân phiên của EU.
Theo đề xuất của Thụy Điển, Ba Lan có thể kéo dài cơ chế trợ cấp cho các nhà máy nhiệt điện than của nước này, nhiều khả năng đến tận năm 2028. Hiện khoảng 70% sản lượng điện của Ba Lan là từ các nhà máy nhiệt điện than.
Trong khi đó, các nước gồm Áo, Bỉ, Đức và Luxembourg đã lên tiếng phản đối đề xuất của Thụy Điển, cho rằng ý tưởng này có thể hủy hoại các mục tiêu của châu Âu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng năng lượng EU cũng phải đau đầu để có thể nhất trí về những quy định liên quan đến vấn đề trợ cấp nhà nước cho các nhà máy điện hạt nhân và phát triển năng lượng từ các nguồn tái tạo, nhất là khi Đức và Pháp, hai nền kinh tế đầu tàu của liên minh, vướng vào bất đồng về vấn đề này.
Tại cuộc họp nói trên, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck cho rằng việc để các nước duy trì hợp đồng điện giá cố định đối với các nhà máy điện hiện hành cũng như các nhà máy mới có thể ảnh hưởng lớn tới thị trường đơn nhất của EU. Ông nói: "Điều này có thể bóp méo thị trường vì phần lớn các thị trường có thể không còn linh hoạt nữa. Và điều này cũng làm bóp méo sân chơi bình đẳng về giá cả ở châu Âu". Áo và Hà Lan cũng có đồng quan điểm này với Berlin.
Theo giới chức EU, quan ngại chính hiện này tập trung xung quanh khả năng sử dụng các khoản trợ cấp nhà nước cho các nhà máy điện hạt nhân của Pháp. Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher phản đối việc kêu gọi hạn chế sử dụng những hợp đồng trợ giá như vậy, cho rằng "làm hủy hoại mục tiêu an ninh cung ứng điện và bảo vệ người tiêu dùng".
Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 nói trên, EU đã đưa ra đề xuất cải cách thị trường điện với mục tiêu bình ổn hơn nữa giá giá điện trong khối đồng thời chuyển đổi hệ thống điện theo hướng sử dụng năng lượng sạch. Theo giới khoa học, để giảm thiểu những tác động nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu gây ra, các nước trên thế giới cần cắt giảm mạnh việc sử dụng nhiên liệu than - nguồn nhiên liệu hóa thạch phát thải CO2 nhiều nhất. Nếu đạt được đồng thuận, các nước EU cần phải thương lượng với Nghị viện châu Âu để đi đến thống nhất về một văn bản pháp lý cuối cùng.