EU kêu gọi thiết lập khoản vay chung để ứng phó với khủng hoảng năng lượng

Ngày 4/10, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni và Ủy viên EU phụ trách vấn đề công nghiệp Thierry Breton đã kêu gọi thiết lập một khoản vay chung của 27 nước thành viên EU, nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng giá năng lượng hiện đang có nguy cơ đẩy nền kinh tế của khối vào suy thoái.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại trạm nén khí đốt Bulgartransgaz ở Ihtiman, Bulgaria, ngày 5/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài viết đăng trên báo Irish Times, hai quan chức hàng đầu của Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định khoản vay mới này có thể dựa trên mô hình nợ chung trong giai đoạn đại dịch COVID-19 nhằm hỗ trợ việc làm. Hai quan chức này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh để thị trường nội khối bị chia rẽ, khi tạo ra cuộc đua về các gói hỗ trợ, cũng như gây hoài nghi về các nguyên tắc đoàn kết và thống nhất, vốn là nền tảng trong dự án của EU. Theo ông Gentiloni, các nước EU có quyền đưa ra các biện pháp ở cấp quốc gia để củng cố nền kinh tế, song cũng cần tăng cường đoàn kết để tránh gây chia rẽ. Cả ông Gentiloni và ông Breton đều cho rằng để ứng phó với những vấn đề liên quan đến sự chênh lệch trong việc sử dụng ngân sách quốc gia, cần có những công cụ chung ở cấp độ EU. 

Trong đại dịch COVID-19, EU đã thông qua khoản vay trị giá 100 tỷ euro (98,5 tỷ USD) trong Chương trình hỗ trợ giảm nguy cơ thất nghiệp khẩn cấp (SURE) nhằm bảo vệ việc làm cho công dân các quốc gia thành viên. Các khoản vay trên dựa trên hệ thống bảo lãnh tự nguyện của các quốc gia thành viên EU và đến nay, EU đã giải ngân 91,8 tỷ euro cho 19 quốc gia. Chương trình SURE được EC xác định là một phần quan trọng trong chiến lược của EU nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế châu Âu.

Hai quan chức hàng đầu trong EU nhận định một cơ chế dựa trên chương trình SURE nhằm hỗ trợ các hệ sinh thái công nghiệp và các nước thành viên có thể là giải pháp ngắn hạn cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Điều này sẽ mở đường cho bước đi đầu tiên hướng tới việc cung cấp hàng hóa châu Âu trong lĩnh vực an ninh và năng lượng, cũng là cách thức duy nhất để thiết lập phản ứng một cách hệ thống đối với khủng hoảng hiện nay.

Các đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh Đức công bố gói hỗ trợ trị giá 200 tỷ euro (197,4 tỷ USD) cho các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của giá năng lượng tăng vọt. Mức hỗ trợ của Đức cao hơn hơn nhiều so với mức hỗ trợ 67 - 68 tỷ euro của Pháp và Italy, khiến một số nước thành viên EU quan ngại sẽ gây ảnh hưởng đến tính cạnh tranh công bằng ở thị trường chung.

Đặng Ánh (TTXVN)
Eurozone phối hợp ứng phó với khủng hoảng năng lượng
Eurozone phối hợp ứng phó với khủng hoảng năng lượng

Ngày 3/10, các bộ trưởng tài chính của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cam kết đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài chính tạm thời ở cấp độ quốc gia nhằm ứng phó với chi phí năng lượng tăng vọt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN