Phát biểu với các nghị sĩ EU trong cuộc họp trực tuyến, bà Ammon cho biết Bulgaria vẫn ghi nhận số các ca mắc COVID-19 tăng, trong khi đối với Anh, Ba Lan, Romania và Thụy Điển, ECDC nhận thấy "không có thay đổi đáng kể nào trong 14 ngày qua". Theo bà, tất cả các nước khác ở châu Âu đều ghi nhận số ca mắc giảm và kể từ ngày 2/5, dường như làn sóng lây nhiễm đầu tiên ở châu Âu đã qua đỉnh điểm.
Tuyên bố trên của ECDC dường như ngược với quan điểm của Anh. Tính đến ngày 4/5, Anh ghi nhận gần 190.000 người mắc COVID-19, trong đó khoảng 28.500 người tử vong. Ngày 30/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson, vừa trở lại làm việc vào tuần trước sau khi mắc COVID-19, cho rằng nước này đã qua đỉnh dịch và "đang trên đà giảm".
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Nga thông báo nước này ghi nhận thêm 10.581 ca mắc COVID-19, đưa tổng số người mắc bệnh lên 145.268. Trong số những người mới mắc bệnh, có tới 50,6% số ca không có biểu hiện lâm sàng. Tính đến nay, Nga ghi nhận 18.095 người khỏi bệnh và 1.356 trường hợp tử vong.
Thủ đô Moskva vẫn là địa phương ghi nhận nhiều người mắc COVID-19 nhất, với 74.401 ca.
Trong khi đó, Chính phủ Ukraine ngày 4/5 đã kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc để hạn chế dịch COVID-19 lây lan cho đến ngày 22/5, song cũng nhất trí dỡ bỏ một phần các hạn chế từ ngày 11/5.
Theo thông báo được phát trên truyền hình, những hạn chế được dỡ bỏ bao gồm mở cửa các công viên và khu vui chơi giải trí, cho phép một số cửa hàng về đồ gia dụng và may mặc được mở cửa. Các quán cafe có thể mở cửa trở lại cho dịch vụ mang đi.