Ecuador chưa quyết định tham gia Hội nghị thượng đỉnh OAS

Bộ ngoại giao Ecuador ngày 15/3 ra thông cáo khẳng định, Tổng thống nước này Rafael Correa vẫn chưa quyết định liệu có tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 6 tại Côlômbia trong tháng tới hay không.

 

Trước đó, một số hãng thông tấn phương Tây căn cứ vào tuyên bố được nhà lãnh đạo Ecuador đưa ra trong một cuộc họp báo tại thủ đô Ankara khi ở thăm Thổ Nhĩ Kỳ, đã đưa tin khẳng định Tổng thống Correa sẽ không dự cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) do Côlômbia đăng cai ngày 14 và 15/4 tới. 

Tổng thống Correa gặp gỡ báo chí quốc tế khi ở thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Web Phủ Tổng thống Ecuador.

 

Tại cuộc họp báo, Tổng thống Correa tuyên bố, ông không sẵn sàng tham gia các hội nghị thượng đỉnh của OAS bởi ở đó không thảo luận những vấn đề của các dân tộc Mỹ Latinh, thí dụ như sự cấm vận mà Mỹ áp đặt chống lại Cuba- khiến La Habana không được dự hội nghị- và chế độ thực dân mà Anh vẫn áp dụng tại quần đảo Malvinas của Argentina.

 

Theo Tổng thống Correa, tại các hội nghị thượng đỉnh của OAS có nhiều phát biểu ca ngợi dân chủ, thế nhưng đó chỉ là một thứ dân chủ hình thức, tức là cứ sau một thời gian thì tổ chức bầu cử, chứ không phải là dân chủ thực sự. Các cuộc họp thượng đỉnh của OAS không đề cập tới những vấn đề quan trọng, không thể trốn tránh và không thể trì hoãn tại châu lục.

 

Cũng trong cuộc họp báo, Tổng thống Correa bày tỏ hi vọng một ngày nào đó Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribê (CELAC) sẽ thay thế OAS, và việc tăng cường sức mạnh của tổ chức mới được thành lập này sẽ góp phần xây dựng một thế giới đa cực.

 

Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Bôliva cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA), diễn ra đầu tháng 2 vừa qua ở Venezuela, Tổng thống Correa đã đề nghị nhóm các nước cánh tả tại Mỹ Latinh này tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh tại Côlômbia nếu Cuba không được mời.

 

Cuba đã bày tỏ quan tâm tới hội nghị này, trong khi Mỹ cho rằng La Habana không đủ điều kiện tham dự vì không phải là thành viên của OAS.

 

Năm 1962, Cuba bị OAS khai trừ vì theo đuổi đường lối xã hội chủ nghĩa. Năm 2009, OAS đã bãi bỏ nghị quyết khai trừ nước này, nhưng cho đến nay Cuba vẫn từ chối tái gia nhập. Trong quá khứ, Cuba luôn tố cáo OAS là một công cụ của Mỹ.


Quang Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN