EC ký hợp đồng mua liệu pháp điều trị dựa trên kháng thể đơn dòng

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) đã ký hợp đồng mua sắm khung với công ty dược phẩm Eli Lilly để cung cấp liệu pháp kháng thể đơn dòng cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Đây là bước tiến mới nhất hướng tới việc xây dựng danh mục đầu tiên gồm 5 phương pháp điều trị đầy hứa hẹn trong chiến lược điều trị COVID-19 được EU đưa ra vào tháng 6/2021.  

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Thuốc hiện đang được Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đánh giá liên tục. Hiện 18 quốc gia thành viên đã ký kết thỏa thuận mua sắm chung gồm 220.000 liều điều trị.

Cao ủy EU về An toàn thực phẩm và sức khỏe Stella Kyriakides cho biết hơn 73% dân số EU trưởng thành hiện đã được tiêm chủng đầy đủ, và tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, vaccine không thể là giải pháp duy nhất ứng phó với COVID-19 bởi trên thực tế, có các trường hợp vẫn bị lây nhiễm và mắc bệnh dù đã tiêm chủng. Do đó, bà cho rằng cần phải tiếp tục nỗ lực trong việc sử dụng vaccine để phòng bệnh song song với việc sử dụng thuốc điều trị thích hợp với người mắc bệnh. 

Bằng việc ký hợp đồng này, EC đang hiện thực hóa cam kết đưa ra trong chiến lược điều trị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân COVID-19 tiếp cận với các loại thuốc thế hệ mới nhất. 

Nếu tiêm chủng vẫn là công cụ chính để chống lại virus và các biến thể, thì các phương pháp điều trị đóng vai trò thiết yếu trong cuộc chiến chống COVID-19. Giải pháp này giúp cứu sống, tăng tốc độ hồi phục, giảm thời gian nằm viện, từ đó giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.

* Kể từ ngày 23/9, Israel sẽ bắt đầu sử dụng thuốc điều trị REGEN-COV cho các bệnh nhân COVID-19 thể vừa và nhẹ tại nước này nhằm ngăn ngừa nguy cơ bệnh diễn biến nặng.

Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn thông báo của Bộ Y tế Israel cho biết các tập đoàn chăm sóc y tế (HMO) sẽ chịu trách nhiệm phân phối thuốc thông qua hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế và các kênh khác. Trong khi Bộ chưa đưa ra các tiêu chí áp dụng, các bệnh viện sẽ tự quyết định bệnh nhân nào sẽ đủ điều kiện được dùng thuốc REGEN-COV, dựa vào độ tuổi, bệnh lý và tình trạng tiêm vaccine. 

Hiện Israel đã nhập vài nghìn đơn vị thuốc này, với giá 1.500 USD cho mỗi bệnh nhân.
Là sản phẩm của công ty dược phẩm Regeneron của Mỹ, REGEN-COV còn có tên “cocktail kháng thể”, bởi nó chứa một kháng thể bào chế và một kháng thể lấy từ bệnh nhân từng bị nhiễm COVID-19. Khi được tiêm cho bệnh nhân, bộ đôi kháng thể này sẽ tìm kiếm và liên kết với protein gai của virus SARS-CoV-2 để ngăn chặn virus xâm nhập vào các tế bào khỏe mạnh. 

Các thử nghiệm cho thấy REGEN-COV có hiệu quả 70% trong ngăn bệnh trở nặng nếu được tiêm cho bệnh nhân trong vòng 72 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng, nhưng sẽ không có hiệu quả nếu bệnh đã diễn biến xấu.

Hương Giang - Vũ Hội (TTXVN)
Nhật Bản cho phép điều trị bằng 'hỗn hợp kháng thể' đối với bệnh nhân cách ly tại nhà
Nhật Bản cho phép điều trị bằng 'hỗn hợp kháng thể' đối với bệnh nhân cách ly tại nhà

Chính quyền tỉnh Osaka, miền Tây Nhật Bản ngày 17/9 cho biết sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng phương pháp điều trị “hỗn hợp kháng thể” cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN