Đường dây nóng Hàn Quốc-Triều Tiên, biểu tượng độc đáo của mối quan hệ liên Triều

Đường dây nóng liên lạc giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được coi là biểu tượng độc đáo trong mối quan hệ liên Triều.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young (phải) tới thăm phòng đặt đường dây nóng liên lạc với Triều Tiên tại làng biên giới Panmunjom ở Khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, ngày 16/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, ngày 27/7, Hàn Quốc và Triều Tiên đã mở lại đường dây nóng sau khi gián đoạn liên lạc cả năm trời làm gia tăng căng thẳng và khiến mối quan hệ liên Triều xấu đi.

Hai quốc gia đã thiết lập ít nhất 49 đường dây nóng giữa hai bên kể từ năm 1970. Hàn Quốc coi đây là công cụ quan trọng để ngăn chặn tình huống hiểu lầm từ các diễn biến quân sự bất ngờ, đặc biệt là ở dọc khu vực phi quân sự chung (DMZ).

Các đường dây nóng cũng được dùng để sắp xếp các cuộc họp ngoại giao, điều phối giao thông trên biển và trên không, hỗ trợ thảo luận nhân đạo, giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai và hợp tác trong các vấn đề kinh tế.

Chú thích ảnh
Đường dây nóng liên lạc giữa hai miền Triều Tiên. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tuy nhiên, Triều Tiên thường cắt các đường dây liên lại khi quan hệ với Hàn Quốc căng thẳng, đặc biệt là khi đàm phán về chương trình hạt nhân, tên lửa đổ vỡ.

Triều Tiên đã ngắt đường dây nóng vào ngày 9/6/2020 để phản đối Seoul không ngăn cản hành động rải truyền đơn qua biên giới tuyên truyền chống phá Bình Nhưỡng. 

Tuy vậy, Hàn Quốc vẫn thử gọi điện hàng ngày vào các khung giờ như cũ là 9 giờ sáng và 4 giờ chiều.

Trước đó, Triều Tiên đã chỉ trích Hàn Quốc và cho nổ văn phòng liên lạc chung ở thị trấn biên giới Kaesong năm 2018.

Chú thích ảnh
Đường dây nóng Hàn Quốc-Triều Tiên, biểu tượng độc đáo của mối quan hệ liên Triều. Ảnh: Reuters

Hành động này là một đòn giáng vào nỗ lực thuyết phục Chủ tịch Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân và ảnh hưởng tới hy vọng xây dựng hòa bình với Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Trước nữa, đường dây nóng cũng bị cắt đứt năm 2016 khi Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Trong giai đoạn đó, giới chức Hàn Quốc thỉnh thoảng sử dụng loa phóng thanh để phát thông điệp qua khu vực an ninh chung ở làng Panmunjom – khu vực duy nhất dọc DMZ mà binh sĩ hai bên đứng đối diện nhau.

Khi đường dây nóng được khôi phục năm 2018, các quan chức liên lạc chủ yếu trao đổi qua điện thoại để bàn sản xuất từ những năm 1970, kích thước bằng một chiếc tủ lạnh nhỏ. Giới chức Hàn Quốc cho biết họ thường chào hỏi hoặc thông báo ngắn gọn. Hai bên dùng máy fax để gửi tin nhắn và tài liệu chi tiết.

Hệ thống liên lạc gồm một màn hình máy tính, ổ đĩa và cổng USB cùng hai bộ điện thoại màu khác nhau: chiếc màu đỏ để nhận cuộc gọi từ Triều Tiên và chiếc màu xanh để gọi điện. Không thể dùng điện thoại này để gọi số khác vì hai điện thoại chỉ được kết nối với điện thoại của đối phương.

Chú thích ảnh
Quan chức Chính phủ Hàn Quốc và Triều Tiên liên lạc chính thức qua đường dây nóng tại làng biên giới Panmunjom ở Paju (Hàn Quốc) ngày 3/1/2018. Ảnh: AP/TTXVN

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc – bộ phụ trách quan hệ liên Triều và điều hành phần lớn đường dây nóng, mọi hệ thống đều dùng thiết bị giống nhau mặc dù hệ thống mới đã được lắp đặt năm 2009. 

Quân đội Hàn Quốc cũng đã công bố ảnh về điện thoại để bàn dùng để làm đường dây nóng liên Triều. Tuy nhiên, không mấy ai biết về thiết bị của Triều Tiên.

Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in dã mở đường dây trực tiếp giữa hai văn phòng của mình nhưng năm 2019, giới chức Hàn Quốc cho biết đường dây này chưa bao giờ được sử dụng.

Sau khi mở lại đường dây nóng liên lạc lúc 10 giờ sáng 27/7, Triều Tiên cho biết việc khôi phục đường dây nóng sẽ đóng vai trò tích cực trong việc cải thiện quan hệ liên Triều. Về phần mình, các chính đảng ở Hàn Quốc đã đồng loạt lên tiếng ủng hộ việc hai miền Triều Tiên nối lại đường dây liên lạc khẩn cấp ở khu vực biên giới liên Triều.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Các chính đảng ở Hàn Quốc ủng hộ việc nối lại đường dây liên lạc liên Triều
Các chính đảng ở Hàn Quốc ủng hộ việc nối lại đường dây liên lạc liên Triều

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, các chính đảng ở Hàn Quốc đã đồng loạt lên tiếng ủng hộ việc hai miền Triều Tiên nối lại đường dây liên lạc khẩn cấp ở khu vực biên giới liên Triều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN