Thẩm phán kì cựu Tòa án Tối cao Philippines, ông Antonia Carpio, khẳng định bãi cạn Scarborough đã luôn là một phần lãnh thổ của Philippines, bất chấp việc Trung Quốc chiếm đóng thực tế ghềnh đá này hồi năm 2012.
Nằm trong chuỗi hoạt động thuyết trình phản bác lại yêu sách của Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hơn 3,5 triệu km2 tại Biển Đông, ông Carpio đã có bài giảng với chủ đề “Yếu tố lịch sử, những dối trá về lịch sử và quyền lịch sử ở Biển Đông”, trình bày tại Đại học De La Salle ở Manila.
Philippines trưng hình ảnh tố Trung Quốc đang có hoạt động cải tạo đất đá ở bãi Gạc Ma, Trường Sa. Ảnh: AP |
Dùng chính những bản đồ cổ của Trung Quốc xuất hiện từ thế kỉ 13 đến những năm 1930, do chính quyền, người dân Trung Quốc và kể cả người nước ngoài cung cấp, ông Carpio khẳng định kể từ khi bản đồ tiếng Trung đầu tiên xuất hiện, "phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc luôn luôn chỉ đến đảo Hải Nam. Không có một bản đồ cổ nào cho thấy Trường Sa, bãi cạn Scarborough từng là một phần lãnh thổ Trung Quốc”.
Thậm chí, thẩm phán Carpio còn gọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc theo “đường 9 đoạn” là một sự “gian trá khủng khiếp trong lịch sử”, vì nó bao trọn cả bãi ngầm James (James Shoal), cách bờ biển Bintulu, Sarawak, Malaysia 90 km, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và cách điểm đất liền gần nhất của Trung Quốc những 1.700 km.
Theo ông Carpio, những bản đồ của Philippines trong hơn 300 năm (1636-1940) đã liên tục chứng minh bãi cạn Scarborough là một phần lãnh thổ của Philippines, bất kể tên gọi ở các thời kì có thể khác nhau. “Trung Quốc không có bất kì giềng mối liên quan gì đến Scarborough. Các bãi đá tại đây chưa bao giờ lưu dấu ấn hiện diện của các thế hệ người Trung Quốc như là người làm chủ đầu tiên… Cái mà Trung Quốc gọi là chứng cứ lịch sử để đòi chủ quyền theo đường 9 đoạn là hoàn toàn không phù hợp với dữ liệu lịch sử thực sự”, vị thẩm phán người Philippines bày tỏ.
HT (Theo Inquirer)