Đụng độ tiếp diễn tại Pháp

Trong ngày Quốc tế Lao động, nhiều cuộc biểu tình đã diễn tại một loạt thành phố trên toàn nước Pháp cùng với đó là các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình quá khích và cảnh sát.

Hưởng ứng lời kêu gọi của nhiều tổ chức công đoàn như Tổng Liên đoàn lao động Pháp (CGT), "Sức mạnh công nhân" (FO), hay các hiệp hội của học sinh, sinh viên như UNEF, UNL, FIDL, nhiều cuộc biểu tình đã diễn tại một loạt thành phố trên toàn nước Pháp cùng với đó là các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình quá khích và cảnh sát.

Người dân Pháp tuần hành trong ngày Quốc tế Lao động 1/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu của cảnh sát, các cuộc biểu tình tập hợp tổng cộng khoảng 84.000 người, diễn ra tại nhiều địa điểm như Paris, Rennes, Bordeaux, Lille và Lyon... nhằm yêu cầu Chính phủ Pháp rút lại dự luật lao động sửa đổi mang tên Bộ trưởng Lao động Myriam El Khomri. Người biểu tình cho rằng những quy định trong dự luật là "không thể đàm phán được", chỉ có lợi cho giới chủ và đẩy người lao động vào tình trạng bấp bênh. Bạo động bùng phát khi một số kẻ bịt mặt, đội mũ bảo hiểm xuất hiện, ném gạch đá và vật dụng về phía cảnh sát buộc cảnh sát phải đáp trả bằng lựu đạn hơi cay.  


Theo cảnh sát trưởng Paris, 10 kẻ phá rối đã bị bắt giữ sau khi các cuộc biểu tình kết thúc.


Kể từ khi Chính phủ Pháp công bố dự luật lao động sửa đổi hồi đầu tháng 3 vừa qua, hàng trăm cuộc biểu tình đã diễn ra ở thủ đô Paris và nhiều thành phố trên toàn nước Pháp. Các cuộc biểu tình thường xuyên biến thành các vụ bạo loạn khi một số đối tượng quá khích ném các vật dụng về phía cảnh sát, đập phá các cửa hiệu, siêu thị, thậm chí đốt cháy xe ô tô của cảnh sát. 


Ngoài ra, từ đêm ngày 31/3 đến nay, quảng trường Cộng hòa tại thủ đô Paris đã trở thành tụ điểm của phong trào công dân "Nuit Debout" (Biểu tình đêm), tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân thuộc các đảng phái chính trị khác nhau nhằm chống lại dự luật lao động đồng thời đưa ra các yêu sách xã hội khác cho người dân. Cho đến nay, phong trào này đã lan ra hơn 50 thành phố trên toàn nước Pháp, gây sức ép lên chính quyền, lực lượng chức năng và làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân tại các thành phố này. Tuy nhiên, những người tổ chức không có ý định ngừng hoạt động này.


Mặc dù chịu sức ép lớn, Chính phủ Pháp vẫn không từ bỏ việc sửa đổi Luật lao động. Phát biểu trên đài phát thanh Europe 1 ngày 1/5, Bộ trưởng Lao động Myriam El Khomri khẳng định dự luật lao động sửa đổi là một biện pháp tái cơ cấu nhằm cải thiện thị trường việc làm. Theo bà, không có chuyện chính phủ ưu ái doanh nghiệp và để doanh nghiệp dễ dàng sa thải người lao động; nội dung chủ đạo của dự luật là tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người lao động và ký các hợp đồng dài hạn. 


Do có sự khác biệt lớn trong cách hiểu về dự luật giữa chính phủ và các tổ chức công đoàn cùng người lao động, các tổ chức công đoàn đã lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình khổng lồ vào ngày 3/5 tới, ngày dự luật được thảo luận tại Quốc hội.


TTXVN/Tin Tức
Bỉ trao nghi can khủng bố Abdeslam cho Pháp
Bỉ trao nghi can khủng bố Abdeslam cho Pháp

Ngày 27/4, Salah Abdeslam, nghi can hàng đầu gây ra loạt vụ tấn công đẫm máu tại Paris (Pháp) hồi tháng năm 2015 đã bị dẫn độ về Pháp để chuẩn bị đưa ra xét xử theo luật pháp nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN