Trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo RP của Đức, ông Habeck nêu rõ hiện tại nguồn cung khí đốt vẫn tiếp tục được đảm bảo. Theo ông, tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Điện Kremlin liên quan tới việc thanh toán khí đốt bằng đồng ruble là trái ngược nhau, do vậy Đức đã đưa ra mức cảnh báo sớm trong trường hợp khẩn cấp dù "không ai muốn khủng hoảng leo thang".
Theo ông Habeck, Berlin sẵn sàng cho mọi khả năng bởi điều quan trọng là cần cân nhắc kỹ, thậm chí cả những kịch bản khó xảy ra nhất. Ngày 30/3, Bộ trưởng Habeck đã cảnh báo sớm trước khả năng Moskva cắt nguồn cung khí đốt vì các lệnh trừng phạt của phương Tây. Sau đó ngày 31/3, Tổng thống Nga Putin đã ban hành sắc lệnh quy định tất cả các hợp đồng cung cấp khí đốt với các công ty của các quốc gia "không thân thiện" phải được thanh toán bằng đồng ruble.
Báo chí Đức dẫn lời ông Habeck cho biết Chính phủ liên bang Đức đang cân nhắc rất kỹ để "ngăn chặn những thiệt hại lớn hơn". Theo ông, một "gói phục sinh" sẽ được đưa ra thảo luận tại Nội các Đức vào tuần tới, bao gồm nhiều thay đổi về luật pháp để mở rộng nguồn năng lượng tái tạo. Theo Bộ trưởng Habeck, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đang khiến Đức phải trả giá bằng sự thịnh vượng, dù vậy, trong mọi trường hợp, vào mùa Thu hoặc mùa Đông tới, Đức sẽ sẵn sàng độc lập với nguồn cung cấp nguyên liệu thô của Nga.
Theo các nguồn tin, "gói phục sinh" về bản chất là gói năng lượng tái tạo hướng tới sự độc lập và an ninh năng lượng cho Đức. Điều này bao gồm việc sửa đổi sâu rộng đối với đạo luật về các nguồn năng lượng tái tạo (EEG), tạo động lực để người dân mở rộng nguồn điện tái tạo từ chính hệ thống năng lượng Mặt Trời lắp đặt trên mái nhà hay trang trại điện gió.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Algiers, ngày 2/4, Tổng giám đốc công ty năng lượng nhà nước Sonatrach của Algeria, ông Toufik Hakkar, cho biết quốc gia Bắc Phi này hiện không thể thay thế nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu.
Trong một tuyên bố trước báo chí, Ông Hakkar nói rằng hiện Algeria có vài tỷ mét khối khí đốt, nhưng không thể thay thế nguồn cung từ Nga. Mặt khác, dựa trên xem xét tốc độ thăm dò các mỏ khí đốt, công suất của Algeria sẽ tăng gấp đôi trong vòng 4 năm tới, điều này đảm bảo triển vọng đầy hứa hẹn cho các khách hàng châu Âu của nước này. Ông Hakkar cho biết thêm rằng Sonatrach dự định đầu tư khoảng 40 tỷ USD vào khai thác và sản xuất dầu khí từ năm 2022 đến năm 2026. Hiện công ty đã phát hiện ra 3 mỏ dầu mới kể từ đầu năm nay, một trong số đó bao gồm một mỏ khí có trữ lượng khoảng một tỷ thùng.
Algeria hiện đứng thứ 5 thế giới về sản xuất khí đốt sau Mỹ, Nga, Iran và Canada. Nước này cũng nằm trong số 20 nhà sản xuất dầu thô hàng đầu, với trung bình 982.000 thùng được sản xuất hàng ngày tính đến tháng 2 năm nay. Sonatrach là công ty sản xuất, lọc dầu, vận chuyển và bán sản phẩm dầu mỏ, đồng thời là công ty lớn nhất không chỉ ở Algeria mà còn trên toàn châu Phi.